Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp của ngành Tài chính
Nhiều điểm sáng trong công tác điều hành tài chính - NSNN
Báo cáo về công tác điều hành tài chính - NSNN năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: Thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 trong bối cảnh tình hình KT-XH tiếp tục có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng kinh tế còn thấp; giá dầu thô dao động ở mức thấp; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển... Tuy vậy, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; cùng với quyết tâm của toàn ngành Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 đã cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu được giao, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH.
Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Tăng cường công tác quản lý thu; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... nhờ vậy, kết quả thu ngân sách đã đạt khá hơn dự báo. Đến ngày 31/12/2016, thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,8%) so dự toán, tăng thêm 55 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu NSĐP đạt 118,6% dự toán (vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Công tác chi NSNN đã được thực hiện điều hành chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải báo cáo tại Hội nghị
Công tác xây dựng thể chế năm 2016 cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý Nhà nước. Bộ Tài chính đã trình 119 đề án; gồm nhiều Nghị quyết và Luật quan trọng. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được chú trọng, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao năm 2016. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng (đã có gần 564,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký khai qua mạng, bằng 99,6%); Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 34/34 Cục hải quan; Hệ thống KBNN tiếp tục mở rộng kết nối với các ngân hàng.
Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và thị trường tài chính, Bộ Tài chính đã chủ động tham gia với các bộ, ngành về kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính - NSNN giai đoạn 2016 - 2020; Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm; thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, mở rộng các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm. Tăng cường công tác giám sát thị trường bảo hiểm, để bảo hiểm ngày càng thể hiện vai trò là bệ đỡ của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý giá; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý, điều hành đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu; điều chỉnh giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016.
Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn cho NSNN, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ. Đã phát hành được 281,75 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường, huy động 55 nghìn tỷ đồng từ Bảo hiểm Xã hội, giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi khoảng 1,9 tỷ USD, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tăng cường quản lý nợ công chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bộ Tài chính đã trình và được Quốc hội thông qua về định hướng huy động và sử dụng nợ công giai đoạn 2016-2020. Đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn, trong phạm vi dự toán. Thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ. Tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, hoán đổi trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán cho các đối tượng chính sách. Xử lý kịp thời kinh phí cho các địa phương nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai và xử lý sự cố về môi trường đối với một số tỉnh miền Trung, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo ASXH. Trong năm 2016 đã xuất cấp trên 152,2 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, xử lý sự cố môi trường biển miền Trung.
Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách được tăng cường, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính gần 35 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu nộp ngân sách 26,7 nghìn tỷ đồng. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được triển khai đồng bộ.
Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực, quốc tế; hoàn tất quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định TPP, kết thúc đàm phán Hiệp định Việt Nam - EU; đàm phán nội dung thuế quan, dịch vụ tài chính trong các Hiệp định FTA đang đàm phán; đồng thời, đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động điều hành NSNN. Năm 2016 đã đàm phán ký kết 34 Hiệp định vay ODA và ưu đãi với tổng giá trị khoảng 5,2 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Hà Nội và một số điểm cầu trực tuyến
Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, năm 2016, ngành Tài chính đã chủ động, thực hiện nghiêm và đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tài chính - NSNN mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; điều hành quyết liệt thu, chi, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép. Quản lý tích cực, từng bước cơ cấu lại và nâng cao tính bền vững nợ công. Quản lý, điều hành giá cả góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát. Chủ động hội nhập tài chính khu vực và quốc tế. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ASXH, tạo niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Bên cạnh đó, báo cáo tại Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong một số lĩnh vực: Xây dựng thể chế, chính sách; Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn; Nợ đọng thuế còn lớn; Giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; Việc phân bổ và sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp; tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị; Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư chậm so yêu cầu đề ra.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017
Dự báo năm 2017 tình hình tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định với mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các yếu tố tác động không thuận của hội nhập quốc tế, sự thích ứng của doanh nghiệp còn chậm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn khó khăn; diễn biến phức tạp, bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại thế giới, dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và hoạt động tài chính - NSNN năm 2017. Đặc biệt, là năm đầu triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đòi hỏi ngành Tài chính phải rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ Tài chính đã đưa ra mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017. Theo đó, cần huy động tối đa các nguồn lực tài chính của Nhà nước; quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH; từng bước cơ cấu lại NSNN, thực hiện các giải pháp xử lý nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; ưu tiên đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ mà Bộ Tài chính đã xây dựng với các nội dung cụ thể.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Bộ Tài chính tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ công chức trong toàn ngành tài chính, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà động viên cán bộ ngành Tài chính
Vượt qua khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương ngành Tài chính đã đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016. Với vai trò quản lý và điều hành tài chính nhà nước, ngành Tài chính đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Vượt qua một năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng với sự cố gắng của các bộ ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, lạm phát được kiểm soát tốt, chính sách tài khóa tiền tệ linh hoạt, nhiều doanh nghiệp đang phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; an ninh quốc phòng giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo...
Thủ tướng cho rằng, nhờ công tác quản lý thu chi ngân sách hiệu quả mà chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra; Công tác quản lý nợ công, phát triển thị trường tài chính có nhiều chuyển biến tích cực; Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp có nhiều chuyển biến... Bên cạnh đó, ngành Tài chính luôn tiên phong trong việc triển khai cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế - hải quan, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, qua đó được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
“Năm 2016, ngành Tài chính đã làm tốt rồi thì năm 2017 cần phải làm tốt hơn nữa. Chính phủ tin tưởng Bộ Tài chính sẽ đi đầu trong việc tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo và phát triển bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, ngành Tài chính cần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công; Công tác xây dựng thể chế, pháp luật về tài chính cần được tăng cường; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng tăng cường công tác quản lý, tránh lãng phí nguồn lực tài chính của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đặt ra mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động thì ngành Tài chính cũng phải góp phần kiến tạo hành động trong lĩnh vực tài chính ngân sách, cần bỏ tư duy cào bằng, xóa bỏ bao cấp, cân đối toàn diện trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm của ngành Tài chính, sự ủng hộ của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, ngành Tài chính sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định ngành Tài chính sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội đối với công tác tài chính - ngân sách; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đối với ngành Tài chính trong suốt thời gian qua.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội nghị, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nhằm quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ của ngành Tài chính trong giai đoạn hiện nay là rất lớn và nặng nề. Để đáp lại sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ; sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ của các Bộ, ngành Trung ương, của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước; ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.