Đảm bảo cân đối ngân sách
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa thực hiện tháng 9 ước đạt 64,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng so với tháng 8. Luỹ kế thu 9 tháng ước đạt 763,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa còn lại ước đạt 588,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán năm, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 đạt 66,5% dự toán, tăng 9,3%). Ước tính cả nước có 44/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán năm (trên 75%); 59/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ năm 2017.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thu về dầu thô thực hiện trong tháng 9 ước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng ước đạt 48,1 nghìn tỷ đồng, bằng 134% dự toán năm, tăng 42,5% so cùng kỳ năm 2017.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 9 ước đạt gần 21,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng so với mức thực hiện thu tháng 8. Lũy kế thu 9 tháng ước đạt 223 nghìn tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2017.
Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 114,1 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 9 tháng đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán năm, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 203,6 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán năm, tăng 22,2%; chi trả nợ lãi đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán năm, tăng 6,8%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 690,4 nghìn tỷ đồng, bằng 73,4% dự toán năm, tăng 5,3%.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến ngày 26/9/2018 đã thực hiện phát hành 136,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (đạt 61,9% kế hoạch), đáp ứng đủ nguồn để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán năm.
Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Cùng với công tác quản lý, điều hành thu chi NSNN, trong quý III/2018, Bộ Tài chính cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác. Cụ thể, trong công tác quản lý tài sản công, Bộ đã ban hành Thông tư số 67/2018/TT-BTC hướng dẫn việc khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Thông tư số 75/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; Báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức quản lý, sử dụng xe ô tô; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 và gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.
Trong tháng 9/2018, Bộ Tài chính đã phê duyệt theo thẩm quyền phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 28 cơ sở nhà, đất của các đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn các tỉnh, thành phố; điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý và Quyết định điều chuyển tài sản theo thẩm quyền đối với 13 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc cũ của các đơn vị thuộc trung ương về địa phương quản lý.
Đối với công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, 9 tháng đầu năm 2018, có 11 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 10 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.
Trong quý III, Bộ Tài chính đã thực hiện ký kết 05 hiệp định vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 382 triệu USD; lũy kế 9 tháng đã ký kết 13 hiệp định vay với tổng trị giá 1.220,3 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm giải ngân khoảng 1.447 triệu USD tương đương khoảng 33,3 nghìn tỷ đồng; trong đó cấp phát khoảng 26.174 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 7.107 tỷ đồng.
Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi; tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành hoàn thiện Đề án "Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm giai đoạn 2017 -2020"; Trình Chính phủ Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam. Tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán; giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo bộ chỉ tiêu CAMEL; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm…
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong quý III/2018, toàn ngành đã thực hiện 34.955 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 118.582 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 4.411 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 5.475.108 triệu đồng (trong đó: Phát hiện và kiến nghị thu hồi NSNN 4.767.648 triệu đồng, kiến nghị khác 707.460 triệu đồng), xử phạt vi phạm hành chính 1.352.715 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 4.086.858 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 63.333 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 325.373 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.682 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 12.634.936 triệu đồng (trong đó: Phát hiện và kiến nghị thu hồi 11.025.999 triệu đồng, kiến nghị khác 1.608.937 triệu đồng), xử phạt vi phạm hành chính 2.583.853 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 8.087.254 triệu đồng