Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, phát huy các sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và có hiệu quả.
Kế hoạch nhằm phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, vượt khó, lao động sáng tạo của Nhân dân Hà Tĩnh và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, phát huy các sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và có hiệu quả. Từ đó tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân để tiếp tục phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mục tiêu cụ thể mà Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra là tiếp tục đổi mới phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nền văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo cho việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung bộ. Cụ thể: Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 28.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 16.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 220.000 tỷ đồng. Mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp; tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bình quân trên 130 triệu/ha. Tỷ lệ đô thị hóa trên 40%. Về văn hóa - xã hội: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%. Giải quyết việc làm mới cho trên 20.000 người/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 95%; có 11,5 bác sỹ/1 vạn dân; trên 28 giường bệnh/1 vạn dân. Tốc độ đổi mới công nghệ trên 20%/năm. Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 92%; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 69%; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 70%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 60%. Về môi trường: tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó nước đạt tiêu chuẩn đạt trên 72%; tỷ lệ che phủ rừng trên 52%; tỷ lệ chất thải rắn được phân loại, thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn từ 80% trở lên. Về quốc phòng - an ninh: 100% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện. Để đạt các mục tiêu, nội dung đề ra, kế hoạch của UBND tỉnh cũng đề ra 7 nhóm giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản hướng dẫn thi hành để cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước, từ đó ra sức thi đua trên các lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thứ hai là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng. Tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt Nghị quyết số 249/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 18 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 12/3/2021 về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025... Thứ ba là tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới: Các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm, cả giai đoạn, thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng để giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Tổ chức có hiệu quả Cuộc thi Báo chí viết về điển hình tiên tiến, gương “người tốt”, “việc tốt” trong phong trào thi đua và trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thứ tư là không ngừng đổi mới công tác khen thưởng theo hướng công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời, chú trọng khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất, khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, gương người tốt, việc tốt. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản... Thứ năm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; làm tốt chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; tổ chức tôn vinh các danh hiệu và trao giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc; bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực, lan toả trong Nhân dân. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, Uỷ ban MTTQ và đoàn thể chính trị các cấp trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng. Thứ sáu là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời, đồng thời nghiêm túc phê bình, xử lý nghiêm đối với trường hợp thực hiện không hiệu quả các phong trào thi đua, vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cuối cùng là tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng các cấp đảm bảo ổn định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bố trí, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng có đủ phẩm chất chính trị, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chính sách khen thưởng.
Chi tiết kế hoạch mời xem và tải về tại đây.