Không có mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Trung ương
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết : Có ý kiến đề nghị cần xác định rõ vị trí của ngân sách đặc khu trong hệ thống NSNN; có ý kiến đề nghị quy định ngân sách đặc khu là một bộ phận trong ngân sách cấp tỉnh nhưng độc lập với ngân sách cấp tỉnh. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ cách thức xác định số tăng thu nội địa để lại cho đặc khu, việc ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách đặc khu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo trước Quốc hội
Đối với vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, đặc điểm của NSNN ở nước ta là ngân sách lồng ghép, do đó, các nội dung liên quan đến ngân sách đặc khu có đặc thù nhưng cần bảo đảm thống nhất với quy định về các cấp ngân sách khác trong hệ thống NSNN.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về ngân sách quy định trong Luật cũng cần hướng tới việc bảo đảm để đặc khu có nguồn thu thực hiện các chính sách đặc thù quy định tại Luật này, bảo đảm tính chủ động của ngân sách đặc khu, làm rõ những điểm đặc thù so với quy định hiện hành về nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách của ngân sách đặc khu.
Với nguyên nhân đó, dự thảo Luật sẽ quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống NSNN, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật NSNN và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.
Theo ông Định, có ý kiến đề nghị xác định cụ thể trong Luật mức hỗ trợ hàng năm từ ngân sách Trung ương cho từng đặc khu; quy định NSNN để lại toàn bộ các khoản thu trên địa bàn cho ngân sách đặc khu (trừ các khoản thu cho ngân sách Trung ương) trong thời gian 10 năm và đặc khu có trách nhiệm tự cân đối để bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
UBTVQH nhận thấy, các ý kiến, đề nghị trên có tính hợp lý nhất định, phù hợp với đánh giá của Chính phủ trong Tờ trình Quốc hội về dự án Luật này. Tuy nhiên, do khả năng cân đối ngân sách Trung ương hiện nay còn khó khăn và sự khác biệt về khả năng cân đối ngân sách của các địa phương có liên quan nên việc thực hiện theo các ý kiến nêu trên sẽ khó khả thi. Do đó, dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu phát triển của từng đặc khu, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách đặc khu để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của đặc khu. Mức bổ sung đối với từng đặc khu do Quốc hội quyết định. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công, Chính phủ xây dựng Danh mục dự án đầu tư công xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của từng đặc khu để Quốc hội xem xét, quyết định mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách đặc khu.”
Ưu đãi phải đảm bảo bản chất chính sách thuế
Khi tham gia ý kiến về Luật này trong kỳ họp trước, nội dung về ưu đãi thuế cũng được nhiều ĐB quan tâm. Có ý kiến đề nghị không miễn thuế TNCN mà chỉ quy định thuế suất ưu đãi trong thời hạn nhất định cho một số đối tượng làm việc trong các ngành, nghề cụ thể. UBTVQH nhận thấy, theo pháp luật hiện hành, cá nhân làm việc tại khu kinh tế được giảm 50% thuế TNCN cho toàn bộ thời gian làm việc. Do đó, để bảo đảm mức ưu đãi tương đương với hiện hành, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bỏ quy định miễn thuế TNCN nhưng giữ ưu đãi về giảm 50% thuế đối với cá nhân làm việc tại đặc khu. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm một số nước (như Thái Lan, Indonesia, Malaysia), để bảo đảm cạnh tranh và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại đặc khu, đặc biệt là trong thời gian đầu khi đặc khu mới được thành lập, dự thảo Luật quy định một số đối tượng là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao được miễn thuế TNCN trong thời gian 5 năm, kể từ khi bắt đầu làm việc tại đặc khu nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế TNCN phải nộp trong các năm tiếp theo.
Một số ý kiến khác cho rằng mức ưu đãi thuế TNDN trong dự thảo Luật là quá cao, cần xem xét, điều chỉnh cho hợp lý. Tiếp thu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng duy trì một số ưu đãi như đã được quy định trong pháp luật hiện hành về khu kinh tế; đồng thời, đối với một số chính sách ưu đãi cao hơn, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ tập trung ưu đãi đối với các dự án đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược và dự án thuộc một số ngành, nghề ưu tiên phát triển mang tính mũi nhọn ở từng đặc khu. Ngoài ra, giảm thời hạn ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu; thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB của dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Cũng có ĐB đề nghị không quy định ưu đãi hoặc giảm ưu đãi cả về thuế suất và thời hạn ưu đãi thuế TTĐB đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược; có ý kiến đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB 20% trong thời hạn 5 năm, 25% trong 5 năm tiếp theo và 30% trong thời gian còn lại của dự án đầu tư. Ý kiến khác đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ) hoặc quy định mức thuế suất 15% trong thời hạn 10 năm. UBTVQH nhận thấy, dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được hưởng ưu đãi thuế TTĐB theo dự thảo Luật đều gắn với các dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô vốn đầu tư tối thiểu lớn (45.000 tỷ đồng) và được xác định thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu.
Quang cảnh Quốc hội
Tham gia thảo luận nội dung này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá: Nội dung về chính sách thuế trong dự thảo Luật dù đã có nhiều tiếp thu nhưng vẫn nhiều vấn đề cần cân nhắc lại để đảm bảo tính khả thi. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhiều nước trong quá trình phát triển đặc khu cũng không đặt ra vấn đề thuế là tiên quyết. Vì vậy, ưu đãi thuế cho đặc khu cần được rà soát để đảm bảo khả thi trong khi nguồn lực có hạn. Cụ thể hơn, bà Mai đề nghị bỏ quy định giảm thuế TTĐB với một số dịch vụ như kinh doanh casino, trò chơi điện tử, kinh doanh đặt cược … Mặc dù phương án tiếp thu đã sửa thành mức thuế 15% so với hiện hành là 35%. Nhưng vấn đề ở đây không phải là miễn giảm ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế TTĐB có nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng và chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế TTĐB. Nhiều nước trên thế giới khi mà áp dụng chính sách ưu đãi thì không áp dụng ưu đãi về thuế TTĐB . Vì vậy, để phù hợp bản chất thuế, thông lệ quốc tế, nên bỏ quy định ưu đãi về thuế TTĐB.
Về thuế TNCN, theo bà Mai, việc khuyến khích thuế TNCN là cần thiết, tuy nhiên sắc thuế này về bản chất là khi có thu nhập thì bắt buộc phải chịu thuế. Nếu miễn thuế TNCN thì chưa phù hợp và chỉ nên đặt mức giảm 50% thuế TNCN cho các đối tượng là nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao. Về tiêu chí xác định đối tượng miễn giảm, theo quy định dự thảo Luật, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao được xác định bởi UBND đặc khu. Vấn đề ở đây là không phải xác định thế nào là chuyên gia, mà là tiêu chí xác định đối tượng miễn giảm thuế nên việc giao cho UBND huyện xác định là chưa phù hợp. Nếu như cần đảm bảo tính linh hoạt thì có thể quy định bởi một văn bản quy phạm pháp luật, ít nhất là Nghị định, Thông tư chứ không nên giao cho UBND cấp huyện.
Chia sẻ với ý kiến này, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược là không phù hợp vì bản chất sắc thuế này tính trên doanh thu trừ đi số trả thưởng nên việc lại cho giảm 15-20% thuế suất so với hiện hành (dự thảo Luật cho hưởng 15% trong 10 năm) là rất lớn so với mức giảm thuế TNDN. Hơn nữa, về thuế TNDN, dù cơ quan thẩm tra đã có một số điều chỉnh nhưng nội dung về thuế TNDN vẫn cơ bản vẫn được giữ như dự thảo Luật được trình tại kỳ họp trước, đặc biệt là quy định áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm cho các dự án mới,...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Các nước trên thế giới đã hình thành đặc khu trong một thời gian dài. Để cạnh tranh được với, nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn thì mức độ thành công với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, các ưu đãi về thuế ở đây phải được thiết kế vượt trội so với các khu vực khác trong nước và cạnh tranh được với quốc tế nhưng vẫn đảm bảo đủ để quản lý và giữ gìn môi trường trên địa bàn. Thực tế các ưu đãi về thuế cũng đã được giảm bớt nhiều so với dự thảo trình kỳ trước.
|