Nghị quyết 108/NQ-CP nêu rõ, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình được ban hành ngày 14/8/2019. Qua hơn 9 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả bước đầu song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo các quy định mới. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án, công trình xây dựng, nhất là một số công trình xây dựng chuyên ngành.
Hoàn thành việc rà soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31/12/2020. Ảnh: MT
Do vậy, để kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, không trái với các nguyên tắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, Chính phủ quyết nghị các bộ quản lí xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các qui định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, hệ thống công cụ về định mức và giá xây dựng và các Thông tư hướng dẫn Nghị định đã được ban hành; tổ chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.
Các cơ quan chức năng cần hoàn thành việc rà soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31/12/2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành).
Cùng với đó, thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP trước ngày 30/9/2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong thời gian chưa kịp thực hiện khảo sát, lấy số liệu, UBND cấp tỉnh ban hành hướng dẫn việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công trên cơ sở dữ liệu hiện có theo các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.
Cũng theo Quyết nghị của Chính phủ, đối với việc áp dụng định mức xây dựng của các công việc chuyên ngành, đặc thù (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành) thì người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể liên quan được tham khảo, vận dụng, áp dụng cơ sở dữ liệu hiện có về thống định mức đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trước thời điểm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực hoặc tham khảo, vận dụng, sử dụng định mức của các công trình, dự án tương tự đã thực hiện làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc tham khảo, vận dụng, áp dụng định mức phải bảo đảm không cao hơn định mức được tham khảo, vận dụng, áp dụng.
Đối với việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công tại các địa phương chưa có hướng dẫn, công bố thì người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể liên quan được tham khảo, vận dụng, áp dụng hướng dẫn về đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công hiện có trên địa bàn xây dựng công trình trước thời điểm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc tham khảo, vận dụng, áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công phải bảo đảm không cao hơn đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được tham khảo, vận dụng, áp dụng.
5 trường hợp cập nhật dự toán xây dựng, giá gói thầu
Việc cập nhật dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng theo định mức xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù sau khi được ban hành; đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công sau khi được hướng dẫn, công bố theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP được thực hiện như sau:
Thứ nhất, trường hợp tổng mức đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt thì người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan xác định dự toán xây dựng theo đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố; định mức công tác chuyên ngành, đặc thù được ban hành; không phải cập nhật lại tổng mức đầu tư đã được thẩm định hoặc phê duyệt.
Thứ hai, trường hợp dự toán xây dựng (bao gồm cả dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu) đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt và chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan xác định, cập nhật giá gói thầu xây dựng theo đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố; theo định mức công tác chuyên ngành, đặc thù được ban hành; không phải cập nhật lại dự toán xây dựng đã được thẩm định hoặc phê duyệt.
Thứ ba, trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng chưa đóng thầu thì người quyết định đầu tư xem xét, quyết định việc cập nhật giá gói thầu theo định mức của các công tác xây dựng chuyên ngành, đặc thù, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu và thời gian cần thiết để thực hiện việc cập nhật các định mức được ban hành, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố trước khi đóng thầu.
Thứ tư, trường hợp đã đóng thầu thì thực hiện theo nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sư dự thầu, hồ sơ đề xuất; không phải cập nhật lại giá gói thầu đã được phê duyệt.
Thứ năm, trường hợp cập nhật dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng theo hướng dẫn tại trường hợp 1,2 làm vượt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng đã phê duyệt, thì việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.
Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát, Nghị quyết nêu rõ: Trường hợp cần thiết, người quyết định đầu tư có thể ủy quyền để Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát nhằm rút gọn thủ tục, trên cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án.
Đối với các nội dung về phạm vi thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt chi phí các công việc chuẩn bị dự án để lập báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm cả Báo cáo kinh tế - kỹ thuật), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo cắt giảm những thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư