Tham dự Hội nghị có ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ, ông Phạm Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tài chính cùng các lãnh đạo chủ chốt đại diện các đơn vị trong Bộ Tài chính, đại diện điểm cầu tại Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Thuế tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Xu hướng “học mọi nơi, mọi lúc”
Việc giảng dạy và học trực tuyến dường như đã trở thành nhu cầu không thể thiếu cho xã hội loài người, nhất là những đối tượng vừa làm vừa học như công chức, viên chức. Trong dịp giãn cách xã hội vừa qua, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để đảm bảo yêu cầu trong triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC năm 2020 và đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay. Do đó, ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 419/QĐ-BTC về phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính nhằm bổ sung thêm hình thức đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của thời đại song song với phương pháp giảng dạy truyền thống.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị trực tuyến
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, công tác đào tạo trong ngành Tài chính cần phải đẩy mạnh phương pháp giảng dạy trực tuyến vì phương pháp này giúp cho các cán bộ công chức, viên chức kịp thời cập nhập kiến thức mới. Đồng thời, phương pháp đào tạo này giúp tiết kiệm được thời gian cũng như kinh phí cho ngân sách nhà nước. “Thực tế cho thấy, những người làm được việc thường không có thời gian tham gia các khóa học đào tạo chứng chỉ tập trung. Do đó, khi xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm thì các công chức, viên chức này thường thiếu các chứng chỉ quy định. Đẩy mạnh công tác đào tạo trực tuyến sẽ khắc phục được những khó khăn trên” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã báo cáo đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Tài chính trong những năm qua và trình bày về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn 2020 - 2025. Theo ông Thủy, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn tới sẽ thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó là mục tiêu hướng tới xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là hướng tới toàn cầu hóa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới sẽ áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng nội dung, đối tượng như đào tạo trực tuyến song song với phương pháp giảng dạy truyền thống.
Báo cáo trước Hội nghị về việc áp dụng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 16/2/2020, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã nhanh chóng triển khai việc ứng dụng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập Microsoft Office 365 A1 để triển khai các lớp bồi dưỡng do Trường tổ chức.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến về công tác đào tạo, bồi dưỡng
tại điểm cầu Bô Tài chính
Đến nay, Trường đã cấp 150 tài khoản Microsoft 365 cho giảng viên và 2500 tài khoản Microsoft 365 cho học viên để phục vụ việc nghiên cứu ứng dụng và sử dụng vào giảng dạy, học tập. Ngoài việc ứng dụng Microsoft 365 vào phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên, học viên trong trường, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính còn hỗ trợ cấp tài khoản và tập huấn cho cán bộ, giảng viên của Trường Nghiệp vụ thuế để triển khai thí điểm 2 lớp học trực tuyến. Ngay sau khi có Quyết định 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 của Bộ Tài chính về phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính, Trường đã tổ chức khai giảng 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.
Qua triển khai thí điểm đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính nhận thấy việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức này sẽ tiết kiệm được chi phí cho xã hội, đáp ứng nhu cầu đào tạo kịp thời, có thể kiểm soát được chất lượng dạy của giảng viên do có bản ghi hình từng buổi giảng, đảm bảo cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống kho học liệu cung cấp trong kho dữ liệu điện toán đám mây. Việc đánh giá học tập của học viên thông qua đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan, đảm bảo chính xác mức độ tiếp thu của người học đối với chương trình đào tạo. Đặc biệt, có thể đáp ứng được việc bồi dưỡng trên diện rộng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành theo quy định của Chính phủ. Theo ông Trường, đây là hệ sinh thái đa dạng và tiến bộ hàng đầu hiện nay với nhiều tính năng vượt trội.
Cần kết hợp cả truyền thống lẫn hiện đại
Mặc dù công tác đào tạo trực tuyến đã ghi nhận được những thành quả đáng ghi nhận nhưng theo ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát công tác giảng dạy này. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu để quản lý việc dạy và học online để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó sẽ có các chương trình kiểm tra chất lượng dạy và học.
Ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ
phát biểu tại Hội nghị
Đồng tình với quan điểm áp dụng song song cả phương pháp truyền thống lẫn trực tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng, công tác giảng dạy trực tuyến đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng có những chương trình vẫn phải “cầm tay chỉ việc” như việc hướng dẫn sử dụng máy soi hàng hóa… do đó, phải căn cứ vào tính chất của từng công việc để có phương hướng đào tạo phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, hiện nay kinh phí dành cho đào tạo hiện nay còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, kinh phí mà ngành Hải quan dành cho đào tạo trong 5 năm gần đây chỉ chiếm 0,6%/chi phí của toàn ngành. Nguồn kinh phí thấp như vậy đã khiến cho việc tuyển chọn giảng viên giỏi rất khó khăn. Vì vậy, muốn đảm bảo chất lượng của cán bộ giảng dạy thì cần phải dành thêm nguồn lực cho công tác này.
Ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ cho biết: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng 6 Nghị định liên quan đến các lĩnh vực như chức danh, đào tạo….để trình Chính phủ vào tháng 7/2020. Ông Vượng cũng cho rằng, công tác đào tạo trực tuyến không còn là câu chuyện của riêng ai mà của tất cả các bộ ngành trong cả nước, nhưng cũng cần so sánh giữa đào tạo truyền thống và online xem phương pháp nào triển khai hiệu quả hơn. Thời gian tới các Bộ sẽ phối hợp sửa Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 31/3/2018 về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao đời sống cho người tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”.