Những kết quả đáng khích lệ
9 tháng năm 2018 triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tốc độ tăng thu đã cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Công tác quản lý thu có nhiều tiến bộ. Khả năng cân đối của NSTW dự kiến hoàn thành và có thể vượt dự toán.
Ngoài nhiệm vụ tài chính- ngân sách, ngành Tài chính đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, bước đầu đạt kết quả tốt.
Về tổ chức bộ máy, đã rà soát cắt giảm 2.800 đầu mối, triển khai đồng bộ tại các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc… Tại cơ quan hải quan đã triển khai cắt giảm đến các tổ (đội); kho bạc thu gọn 43 phòng giao dịch cấp huyện… Sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc ương để đảm bảo đến cuối năm 2020, ngành thuế giảm tối thiểu 50% chi cục thuế so với hiện nay là 711 chi cục.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo tại Hội nghị
Về tinh giản biên chế, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021, mỗi năm Bộ Tài chính sẽ thực hiện cắt giảm tối thiểu 1,77% biên chế được giao để đảm bảo giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt dược của toàn ngành Tài chính, đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương; các Vụ, Cục chức năng của Bộ Tài chính quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2018. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác thanh, kiểm tra vẫn còn chậm, nợ đọng thuế còn lớn. Do đó, cần phải tăng cường thanh, kiểm tra nợ đọng thuế, coi đây là giải pháp để tăng thu ngân sách.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong thu hồi nợ đọng thuế
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành Tài chính, đặc biệt trong công tác chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề xuất và yêu cầu các đơn vị trong ngành nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, về công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với công tác tài chính nói chung và công tác thuế nói riêng, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của ngành Tài chính trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN tại địa phương; chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương trong công tác quản lý đăng ký kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế... ”Trong công tác tài chính ngân sách Sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương là tốt nhất giúp cho ngành Tài chính hoàn thành các nhiệm vụ thu NSNN của ngành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các Đồng chí Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, phối hợp chỉ đạo cơ quan thuế trong công tác thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn. Về phía Bộ Tài chính, ngày 15/10/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế để giảm nợ đọng thuế, trong đó đã yêu cầu Cục Thuế xây dựng phương án xử lý số nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh, thành phố xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Thứ hai, đối với Tổng cục Thuế, các Cục Thuế, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp phải bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp uỷ, Ủy ban nhân dân các cấp để chủ động triển khai chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018.
Trong đó, tập trung các giải pháp như: Mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thu nhất là khu vực kinh tế phi chính thức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát; siết chặt kỷ cương kỷ luật trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Tăng cường thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thuế.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế.
Bộ trưởng đề nghị ngành thuế các cấp cần triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ các nội dung theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính, các Cục Thuế thực hiện rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế đảm bảo hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ tốt cho công tác xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế. Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tổng kết đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý; Xây dựng Đề án xử lý nợ thuế, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý.
Liên quan đến Đề án xử lý nợ thuế, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý, Bộ trưởng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng đề án, thẩm định và có văn bản báo cáo Thường vụ tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh, thành phố kèm theo đề án để tạo sự đồng thuận cao và tranh thủ sự chỉ đạo của Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố, sự phối kết hợp của các sở, ban ngành trên địa bàn với cơ quan thuế trong công tác quản lý nợ và xử lý thu hồi nợ đọng thuế, trước khi trình Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét phê duyệt.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố và các Chi cục Thuế tăng cường triển khai các biện pháp tại các quy trình nghiệp vụ về quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu nợ thuế: Phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế thu nợ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Đội trưởng và từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ; Tăng cường kiểm tra rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng người nợ thuế, phân loại theo tình trạng nợ thuế; Theo dõi sát tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nộp theo pháp luật về thuế.
Hết năm 2018: Tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý không vượt quá 69.000 tỷ
Bộ trưởng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế, cưỡng chế thu nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin tuyên truyền trong quản lý thuế ”Cần làm sao cho NNT tự giác “nộp đúng, đủ, kịp thời” thì thu mới “thu đúng, đủ, kịp thời”, Tăng cường đối thoại với DN, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của DN để chỉnh sửa chính sách phù hợp; Quản lý đối tượng nộp thuế, quản lý rủi ro, tăng cường thanh tra kiểm tra, quản lý nợ đọng…cần làm tốt hơn và cụ thể hơn. Trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, công tác tuyên truyền hỗ trợ cần cụ thể hơn. Bộ trưởng đánh giá công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT có vai trò vô cùng quan trọng, chính vì vậy, cơ quan thuế cần tập trung sử dụng những hình thức, phương tiện, kênh truyền thông hiện đại để cơ chế, chính sách, pháp luật về thuế sao cho tiếp cận được với NNT một cách dễ dàng và dễ hiểu nhất.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Thuế các tỉnh, thành phố phải tổ chức bố trí, cơ cấu lại nguồn nhân lực thực tế có để đảm bảo tăng tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý nợ thuế, trưng dụng cán bộ ở các bộ phận khác tham gia công tác quản lý nợ thuế để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, giảm nợ thuế trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ trưởng đặc biệt nhắc nhở ngành Thuế, ngành Hải quan cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý thuế, quản lý nợ thuế, kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa, xử lý kịp thời đối với những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong việc thực thi công vụ. Nâng cao nhận thức chính trị, chuyển biến về tư tưởng, đổi mới phương pháp thái độ làm việc; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, phát hiện và xử lý nghiêm công chức vi phạm kỷ luật lao động, thiếu trách nhiệm, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành thuế, hải quan đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu và giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế hạn chế nợ thuế phát sinh mới, phấn đấu đến 31/12/2018 tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý không vượt quá 69.000 tỷ.