Nợ thuế có xu hướng tăng
Ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo “xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế ngay trong năm 2018 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước”. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã quán triệt và chỉ đạo cơ quan thuế khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế ngay từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng lên.
Theo báo cáo của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý (không bao gồm tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ chờ xử lý, đang khiếu nại) tính đến thời điểm ngày 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó nhóm tiền thuế nợ có khả năng thu là 48.019 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 15,1% so với thời điểm 31/12/2017; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017. Tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh là 8.659 tỷ đồng, giảm 23,7% (-2.683 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2017. Tiền thuế nợ đang xử lý là 4.563 tỷ đồng, giảm 6,1% (-295 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2017. Tiền thuế nợ đang khiếu nại là 1.256 tỷ đồng tăng 3,4% (+42 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2017.
NNT làm TTHC thuế tại Chi cục Thuế Đống Đa-Cục Thuế Hà Nội. Ảnh NA
Hầu hết các địa phương số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm ngày 31/12/2017. Số nợ thuế tăng cao nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Một số Cục Thuế, Chi cục Thuế chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý nợ, chưa chỉ đạo ráo riết, kịp thời và tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế và xử lý nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý, chưa làm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xóa nợ thuế đối với khoản nợ không còn khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao và kéo dài, ngày càng phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn.
Để tăng cường xử lý nợ đọng thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, của cán bộ thuế, cơ quan thuế, nâng cao hiệu lực hiệu quả đối với công tác quản lý nợ thuế, cần thiết phải xây dựng phương án đôn đốc thu và xử lý nợ đọng thuế.
Giảm nợ đọng, tăng thu cho NSNN
Trước thực trạng nợ thuế có xu hướng tăng đặt ra không ít khó khăn, trăn trở trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và ngành Thuế. Những cuộc họp bàn giữa Bộ Tài chính và cơ quan thuế, giữa ngành Tài chính với chính quyền địa phương đã được thực hiện nghiêm túc để chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện tại, thực hiện thành công mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra cho ngành Tài chính về thu hồi nợ đọng thuế.
Sau nhiều nỗ lực, ngày 22/11,Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định 1914/QĐ-TCT về việc ban hành phương án xử lý nợ đọng ngành thuế quản lý nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế góp phần tăng thu cho NSNN, giảm nợ đọng thuế.
Tại phương án nêu trên, ngành Thuế đã đặt ra mục tiêu tổng quát: triển khai quyết liệt trong toàn ngành thuế các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế góp phần tăng thu cho NSNN, giảm nợ đọng thuế; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp lý về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, các quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo các khoản nợ thuế được phân loại, theo dõi đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ.
Đối với từng mục tiêu cụ thể, ngành thuế đặt ra mục tiêu: Xác định số nợ cụ thể theo từng lĩnh vực, khoản thu, sắc thuế, của từng người nộp thuế; số nợ có khả năng thu; số nợ không có khả năng thu; số nợ chờ điều chỉnh; số nợ chờ xử lý để đưa ra các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ xử lý nợ phù hợp và công bố thông tin NNT nợ thuế; Thu hồi kịp thời tiền thuế nợ đọng, giảm số nợ đọng thuế, phấn đấu đạt chỉ tiêu về nợ thuế mà Chính phủ đã giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 là tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2018; Số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 giảm so với thời điểm 31/12/2017; Giảm 100% các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ chờ xử lý tại thời điểm 30/9/2018; Thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ thuế vào NSNN; Giao nhiệm vụ thu nợ, xử lý nợ tới từng đồng chí lãnh đạo cục Thuế, Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Đội trưởng và từng cán bộ thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn để hạn chế nợ mới phát sinh lớn; Tổ chức rà soát toàn bộ các khoản nợ không còn đối tượng để thu để phân loại các trường hợp nợ thuế và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
Giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ngành thuế xác định một trong những giải pháp mang tính lâu dài là việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đồng bộ. Theo đó, nghiên cứu thực tiễn tình hình thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn về quản lý nợ thuế, cưỡng chế thu tiền nợ thuế, xoá nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế. Trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, đảm bảo tính khả thi và quản lý hiệu quả số tiền nợ thuế, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cấp hiện nay.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý các khoản nợ không có khả năng thu ngân sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét, với các tiêu chí rõ ràng, nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không để thất thu NSNN.
Rà soát những vướng mắc trong quá trình quản lý thu nợ thuế để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Quy trình quản lý nợ thuế, Quy trình cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, khắc phục tồn tại, bất cập để nâng cao hiệu quả việc quản lý nợ thuế.
Nghiên cứu để xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế để quản lý nợ, cưỡng chế, xử lý nợ thuế.
Giải pháp lớn thứ hai ngành Thuế triển khai thực hiện là: Tăng cường thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Theo đó, các nội dung đáng chú ý:
Thứ nhất, Tổng cục Thuế tăng cường chỉ đạo, giám sát các Cục Thuế thực hiện đầy đủ công tác đôn đốc nợ, xử lý nợ, cưỡng chế nợ, công khai thông tin người nợ thuế.
Cục Thuế, Chi cục Thuế phân công giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế, cụ thể: Cục Thuế phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Phòng, Chi cục Thuế và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế, gắn trách nhiệm thực hiện xử lý nợ thuế với việc bình xét thi đua. Định kỳ hàng tuần giao ban kiểm điểm, đánh giá, nắm bắt tình hình xử lý nợ thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế kịp thời chỉ đạo. Trong đó, đối với các doanh nghiệp nợ thuế lớn trên địa bàn (kể cả các trường hợp đã ban hành quyết định cưỡng chế), Cục Thuế, Chi cục Thuế tổ chức phân công làm việc với từng doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết thì mời thêm thành viên Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế làm việc để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.
Đối với nhóm nợ có khả năng thu: phương án do ngành Thuế đưa ra chỉ rõ các giải pháp thực hiện khác nhau đối với 3 nhóm nợ đọng: (1) Thực hiện các biện pháp đôn đốc thu tiền thuế nợ; (2) Thực hiện các biện pháp cưỡng chế; (3) Thực hiện công khai thông tin người nộp thuế.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng đưa ra các giải pháp chi tiết đối với việc xử lý các khoản nợ thuế đang xử lý và các khoản tiền thuế nợ đã nộp NS đang chờ điều chỉnh; Rà soát phân loại tiền nợ thuế chính xác, đúng quy định; Xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách; Phối hợp với các cơ quan chưc năng ở địa phương để xử lý nợ đọng thuế.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng ở địa phương
Để công tác thu hồi nợ đọng thuế đạt được kết quả cao không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Tài chính và cơ quan thuế các cấp mà cần sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng ở địa phương. Hiểu rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc hoàn thành nhiệm vụ NSNN của ngành Tài chính, tại phương án xử lý nợ đọng thuế cơ quan thuế đưa ra, việc phối hợp với chính quyền địa phương các cấp được đặc biệt coi trọng. Trong đó, cơ quan thuế đã chỉ rõ việc phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường; Sở KHĐT; Sở Tài chính, KBNN; Cơ quan công an; Sở Thông tin truyền thông. Cụ thể:
Phối hợp với cơ quan Tài nguyên Môi trường: Tăng cường phối hợp để tập trung xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Lập danh sách các dự án trên địa bàn không triển khai thực hiện hoặc thời gian triển khai thực hiện kéo dài, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật, đã bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế nhưng không chấp hành, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo UBND tỉnh thu hồi đất, đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản;
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh, huyện cung cấp thông tin về đất, nhà của người nộp thuế để cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế nợ thuế; Xem xét, đề nghị người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế còn nợ đọng khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản…theo đề nghị của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý Thuế về thứ tự thanh toán tiền thuế;
Phối hợp với Sở KHĐT để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế chây ỳ nợ đọng thuế, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không thu hồi được nợ đọng thuế;
Phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước để thu hồi nợ thuế đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thông qua công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Lập danh sách các doanh nghiệp xây dựng cơ bản nợ đọng tiền thuế và cung cấp cho cơ quan Kho bạc để phối hợp thu hồi nợ thuế;
Phối hợp với cơ quan Công an thực hiện cưỡng chế thu nợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỏ trốn, tấu tán tài sản cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, đồng thời cung cấp thông tin, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an, điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế;
Phối hợp với Sở thông tin truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế cho người nộp thuế, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế, công khai thông tin đối với các doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ kéo dài
Ngày 15/10/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan thuế các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế.
Tổng cục Thuế chủ chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính, chỉ đạo các Cục Thuế thực hiện rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế và xử lý nợ thuế đảm bảo hành lang pháp lý tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần làm tốt công tác thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.
|
Gia Hưng