Ngày 9/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Có hiệu lực từ 25/12, Nghị định mới được xây dựng theo hướng khắc phục vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 72 năm 2013, đảm bảo phù hợp xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet.
Để độc giả có thêm góc nhìn về điểm mới cũng như ảnh hưởng, tác động của Nghị định 147 đến cộng đồng Internet, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng thời gian đầu, các bên liên quan trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet cần được truyền thông, cung cấp thông tin nhiều hơn, để có nhận thức mới và thích ứng với các quy định mới. Ảnh: T.L
Phóng viên: Ông nhận định thế nào việc Chính phủ có Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng?
Ông Vũ Thế Bình: Các quy định hiện hành đã được áp dụng trong nhiều năm. Bối cảnh môi trường Internet liên quan đến công nghệ, sự phát triển của các ứng dụng, cũng như những vấn đề phát sinh trên mạng cho thấy sự cần thiết phải cập nhật, điều chỉnh và bổ sung những quy định liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Chúng tôi cho rằng, sau một thời gian đủ dài để soạn thảo và lấy ý kiến các bên liên quan, hiện tại là thời điểm phù hợp để có nghị định mới.
Với hàng loạt quy định mới, ông đánh giá thế nào về tác động của Nghị định 147 đến sự phát triển không gian mạng Việt Nam?
Internet giờ đây không còn như cách đây 10 - 20 năm. Các ứng dụng, dịch vụ một mặt hội tụ hơn, mặt khác lại thông minh hơn, gắn liền với đời sống và cá nhân hơn.
Lưu lượng Internet phần lớn là dòng chảy từ người dùng vào một số ít nền tảng ứng dụng toàn cầu hoặc trong nước.
Các quy định mới đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các chủ thể trên mạng Internet, gồm cả người sử dụng và đơn vị cung cấp dịch vụ.
Thời gian tới, người dùng Internet sẽ nhận thức được rõ hơn về vị thế của mình trên mạng Internet, với các ứng dụng hàng ngày, giảm bớt yếu tố ‘ảo’, càng ngày càng gần với đời sống thực.
Bản thân từng người sử dụng sẽ ít phân biệt được ‘thực’ và ‘ảo’, đời sống trên không gian mạng gắn liền với đời sống thực.
Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam nhấn mạnh: Quy định mới đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các chủ thể trên mạng Internet, gồm cả người sử dụng và đơn vị cung cấp dịch vụ. Ảnh minh họa: Đ.T
Với các nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ phải thực hiện thêm một số trách nhiệm, gồm cả khía cạnh pháp lý và kỹ thuật. Ít nhiều các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cần đầu tư thêm cho hệ thống kỹ thuật, quy trình cũng như vận hành dịch vụ.
Ở một góc nhìn khác, khi các quy định được thực thi tốt, các cơ quan nhà nước kỳ vọng giảm thiểu được các điểm tiêu cực trên không gian mạng như các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Chúng tôi cũng cho rằng sẽ có cải thiện ở khía cạnh này, đi cùng với các hoạt động vận động, truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dùng Internet.
Vậy vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, lừa đảo trên mạng có được đẩy lùi khi các quy định mới được đưa vào áp dụng không, thưa ông?
Các quy định mới được điều chỉnh, bổ sung sẽ giúp các bên liên quan trong hệ sinh thái Internet hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó chú trọng đầu tư về công nghệ, quy trình, nhận thức để góp phần làm cho hoạt động trên không gian mạng được lành mạnh hơn.
Những quy định được bổ sung cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước có hành lang pháp lý rõ ràng, tường minh để thực thi chức trách của mình, góp phần đẩy lùi các điểm tiêu cực trên mạng.
Đặc biệt, với những quy định mới bổ sung về xác thực, chặn lọc, bảo vệ người sử dụng trên mạng xã hội..., có thể kỳ vọng sẽ giúp gia tăng sự lành mạnh trên mạng xã hội, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng, mang lại sự an toàn hơn cho người dùng.
Để Nghị định 147 sớm đi vào cuộc sống, theo ông đâu là những việc cần tập trung triển khai thời gian tới?
Chúng ta đều biết là công nghệ cũng như Internet đều thay đổi rất nhanh, vì thế, dù là các quy định mới cập nhật, song chúng ta cũng chỉ biết rõ hơn các tác động của nó sau một thời gian nhất định.
Tôi nghĩ rằng, trong thời gian đầu, các bên liên quan trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet cần được truyền thông, cung cấp thông tin nhiều hơn, để có nhận thức mới và thích ứng với các quy định mới.
Trong quá trình thực thi, trên cơ sở thực tiễn, các quy định cũng nên được điều chỉnh kịp thời để đạt được mục tiêu lớn là mang lại môi trường dịch vụ Internet an toàn, lành mạnh cho người dùng.
Xin cảm ơn ông!