Thu NSNN tăng – Kinh tế phục hồi khả quan
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020; thu nội địa đạt 30% dự toán, tăng 1,2%… . Ước tính cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.
Kết quả này cho thấy đà phục hồi khả quan và khá đồng đều của nền kinh tế, cũng như hiệu quả của các chính sách đã thực hiện trong phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Ảnh: MT
Trong tổng chi ngân sách nhà nước quý I-2021, chi đầu tư phát triển đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán, giảm 1,4%; chi thường xuyên đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 1,6%…
Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, trong quý I đã sử dụng dự phòng Trung ương 1.065 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (503 tỷ đồng) và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh (210 tỷ đồng), xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố và kè bảo vệ khu vực sạt lở, sụt lún trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (298,2 tỷ đồng),... Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao là 461,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,64% dự toán Quốc hội quyết định; cùng với các nguồn lực khác (tăng thu, kết dư ngân sách,...), các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng gần 47 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính
Tính đến ngày 31/3/2021, Bộ Tài chính đã ban hành 02 Quyết định công bố bãi bỏ 8 thủ tục hành chính, công bố mới 2 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bảo hiểm, quản lý công sản. Tổng số thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính là 970. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296/581 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 50,94% (vượt 20% so với yêu cầu của Chính phủ).
Trong quý I, Bộ phận Một cửa của cơ quan Bộ Tài chính đã tiếp nhận 332 hồ sơ TTHC thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, giá, tài chính ngân hàng) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 232 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn, số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 100 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.
Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra
Trong quý II, cán bộ, công chức ngành Tài chính sẽ tiếp tục chủ động và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ phân công.
Theo đó, ngành Tài chính sẽ triển khai các giải pháp chỉ đạo phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 của cả nước cũng từng địa phương; Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu năm 2021; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ gắn liền với ứng dụng CNTT trong kiểm soát chi NSNN. Tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN…
Trong công tác quản lý giá, Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để xây dựng phương án điều hành giá xăng dầu vào kỳ điều hành các tháng trong quý II/2021; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành. Đối với công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp kỹ thuật và hành chính, nghiệp vụ để xử lý tình trạng nghẽn lệnh tại Sở GDCK TP HCM (HOSE), giảm thiểu tình trạng quá tải lệnh, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; Kịp thời phối hợp với 02 Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định…