Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Luật quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017 và có hiệu lực từ 1/7/2018. Luật được đánh giá là một bước cải cách trong công tác quản lý nợ công của Việt Nam, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong suốt quá trình xây dựng Luật Quản lý nợ công 2017.
Thứ trưởng cho biết: Thực hiện phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật gồm các Nghị định về Nghiệp vụ quản lý nợ công; Quản lý nợ chính quyền địa phương; Cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Quản lý cấp và bảo lãnh Chính phủ; Phát hành, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu và Quản lý Quỹ tích lũy trả nợ. Riêng đối với Nghị định sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP về Quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự thảo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng cho rằng, để đảm bảo thi hành Luật Quản lý nợ công cũng như thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và các nhiệm vụ được giao tại Luật và Nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn với các cơ quan, các nhà tài trợ, các tổ chức và đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Luật Quản lý nợ công 2017 là một trong những luật quan trọng của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính và ngân sách nhà nước. Cùng với Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công sẽ cấu thành chuỗi các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng với Bộ Tài chính. Vì vậy, việc đưa Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống là vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các nhà tài trợ dựa trên yếu tố tuân thủ quy định pháp luật trong việc triển khai hiệu quả thi hành Luật Quản lý nợ công góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, phải hiểu rõ những nội dung quy định để khi triển khai không vướng mắc để thực thi có hiệu qủa, góp phần huy động nguồn lực quan trọng để phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam, cũng như quản lý nền tài chính quốc gia bền vững.
Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Quản lý nợ công
Tại hội nghị, Bộ Tài chính đã giới thiệu cho các nhà tài trợ về những nội dung cơ bản và các điểm mới của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và 02 Nghị định về quản lý nợ chính quyền địa phương và quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ nhằm giúp cho các nhà tài trợ nước ngoài hiểu rõ hơn các điểm mới của Luật, cũng như quy định đối với quản lý nợ chính quyền địa phương và cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ Việt Nam./.
|