NỖ LỰC VÀ NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Ngay từ đầu năm, trước diễn biến phức tạp của đại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô thích ứng với tình hình, điều kiện cụ thể, hy sinh lợi ích kinh tế để tập trung ưu tiên cho phòng, dập dịch nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân (Theo đó, các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đã được điều chỉnh linh hoạt).
Đến giữa tháng 5, sau giãn cách xã hội thành công, theo kịch bản đã được định sẵn, khi cuộc sống trở lại bình thường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 84/NQ-CP tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Văn bản số 622/TTg-KTTH và Văn bản số 623/TTg-KTTH ngày 26 tháng 5 năm 2020 về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đặc biệt, ngày 17/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đây được xem là một động thái kịp thời để gỡ khó cho các địa phương. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh cần hoàn thành việc rà soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31/12/2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành); Thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định số 68 trước ngày 30/9/2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Có thể nói, Nghị quyết số 108 là “chìa khóa” để gỡ các “nút thắt” lâu nay của các địa phương trong việc hoàn thiện các thủ tục đối với các dự án đang triển khai. Từ đó, giúp các địa phương có thể tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.
Cùng với những chính sách trên, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, trong tháng 7/2020, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác giải ngân đầu tư công, vốn ODA năm 2020; đồng thời làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...
Ngày 17/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Và, trong tháng 7/2020, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thành lập 7 đoàn công tác do chính Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu trực tiếp tới các địa phương, bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Nhờ vậy, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng rất cao trong tháng 7. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/7/2020, cả nước đã giải ngân hơn 216.538 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 35,6% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 37,4% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 19,5% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 39,8% kế hoạch.
Cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn kế hoạch (bao gồm vốn kế hoạch các năm trước được kéo dài chuyển sang năm 2020) từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 là hơn 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước hơn 191.898 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch), vốn nước ngoài hơn 13.025 tỷ đồng (đạt 19,5% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 11.614 tỷ đồng (đạt 39,8% kế hoạch).
Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 31/7/2020, có 12 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó có 6 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55%, gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%); Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%); Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%); Bộ Nội vụ (62,85%); Ngân hàng Phát triển (61,09%); Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%); Tiền Giang (73,98%); Nghệ An (69,23%); Lạng Sơn (63,44%); Hưng Yên (58,19%); Ninh Bình (56,85%); Phú Thọ (56,33%); Hà Nam (55,5%); Thái Bình (55,18%).
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện được việc giải ngân nguồn vốn, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Trong khi đó, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng năm 2019 chuyển sang.
Qua khảo sát thực tế tình hình thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương rất quyết liệt: Xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: (i) Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; (ii) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (iii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iv) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (v) Đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và (vi) Quy định về khen thưởng, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công. Thành lập 03 Đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số sở, ban, ngành và địa phương do 03 đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn: Đến nay đã thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác giải ngân tại 22/30 địa phương và chủ đầu tư. Về giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho từng dự án trước ngày 31/7/2020: Đến nay UBND tỉnh đã có Quyết định giao chi tiết đối với 100% số vốn kế hoạch năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019. Về điều chuyển kế hoạch vốn: UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát, điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân chậm, dự án dự kiến không hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2020 để điều chuyển cho các dự án có tiến độ triển khai và giải ngân tốt, còn thiếu vốn; dự kiến hoàn thành đợt 1 trong tháng 8/2020. Nhờ có những giải pháp quyết liệt trên, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đến nay đạt trên 55%, nằm trong tốp 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân tốt của cả nước.
Tuy vậy, xét trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, còn phải sử dụng vốn vay nước ngoài để cân đối nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hơn bao giờ hết, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề cấp bách cần được quyết liệt thực hiện kịp thời.
NHỮNG VƯỚNG MẮC GÂY “NGHẼN” MẠCH GIẢI NGÂN
Mặc dù đã có sự chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 7, song thực tiễn cho thấy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu, có thể chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập (xung đột về lợi ích, về đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa dự án đầu tư công - áp giá kèm hỗ trợ và dự án đầu tư tư - áp giá kèm thỏa thuận…, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…), gây kìm hãm hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công không đảm bảo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra.
- Thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư công, đầu tư xây dựng, đầu tư thu hồi đất giải phóng mặt bằng, đấu thầu rất dài, trong đó có những gói thầu dự án thủ tục đấu thầu đến 6 tháng. Các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ tại Việt Nam tính toán, để khởi động chuẩn bị cho một dự án, từ khâu ý tưởng đến khi khởi công phải cần ít nhất khoảng thời gian ba năm. Đây là nút thắt của đầu tư công trong giai đoạn trước, nghĩa là, công tác chuẩn bị đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công phải đi trước một bước trước kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau.
- Vẫn tư duy “lối mòn” của một số đơn vị chủ đầu tư, chưa bắt nhịp đồng thời với pháp luật đầu tư công mới (LĐT công 2014), khiến nhiều dự án thuộc kỳ trung hạn 2016-2020 khâu chuẩn bị đầu tư làm sơ sài, thiếu sự điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng đã quyết định chủ trương đầu tư để được bố trí bố trí vốn, đặc biệt là đề nghị bố trí cấp bách, theo đó, có nhiều dự án khi triển khai gặp trở ngại, khó khăn vướng mắc, đến nay không thể giải ngân; ngoài ra, có những dự án khi quyết định chủ trương đầu tư chưa thể tiên lượng được các yếu tố tác động từ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của giai đoạn tới…
- Công tác lập kế hoạch đầu tư công của các chủ dự án chưa sát với thực tế, kể cả việc đề nghị giao vốn hằng năm cho dự án chưa phù hợp với khả năng giải ngân vốn dẫn đến dự án có khả năng giải ngân tốt thì thiếu vốn, dự án không giải ngân được thì vốn chờ dự án, việc này dẫn đến số vốn kế hoạch trung hạn năm cuối kỳ không được phân bổ hết theo số dự kiến.
- Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
- Tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, nên xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các nguyên nhân này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020) chỉ ra, gồm:
- Đối với vốn nước ngoài, công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, hầu hết các dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án..., nên khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
- Năm 2020 là năm cuối của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đa số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn cho các dự án để phù hợp với tình hình thực hiện từng dự án và khả năng cân đối NSNN năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14, ngày 14/6/2019 của Quốc hội về kỳ họp thứ 7 khóa XIV. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương, HĐND không kịp họp để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vốn tại Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14, ngày 24/10/2019 về phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
- Chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần đảm bảo để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước (NSNN) về giá trị tài sản công đối với giá trị tài sản công thanh toán, ghi chi tạm ứng NSNN tương ứng với giá trị tài sản công đã thanh toán để thực hiện dự án Xây dựng - chuyển giao (BT) trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán, trách nhiệm của các bên liên quan (Nhà đầu tư, cơ quan được giao quản lý hợp đồng BT, cơ quan tài chính) khi triển khai thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao. Do đó, nhiều địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) đang gặp vướng mắc chưa thực hiện ghi thu, ghi chi cho các dự án BT được giao Kế hoạch năm 2020.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhất là tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36%, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ảnh hưởng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Đầu tư công chậm sẽ khiến quá trình phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn và kéo theo nhiều hệ lụy khác, như: Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn, các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian… Vì thế, nhất thiết phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào các tháng cuối năm 2020.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn (khoảng 28.178,633 tỷ đồng).
Trong bối cảnh cả nền kinh tế đang ở tình trạng “không bình thường” do đại dịch Covid-19, để trong 5 tháng cuối năm hoàn thành giải ngân được trên 400.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020, cũng cần đến những biện pháp “không bình thường”, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo đúng Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020, số 242/TV-VPCP ngày 18/7/2020.
Các Bộ, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải xác định rõ các tồn tại, yếu kém nội tại trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư...là nhiệm vụ trọng tâm, hang đầu. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020; đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trên địa bàn nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đảm bảo việc thẩm định không quá 05 ngày/khâu thẩm định; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng,… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác; tuyệt đối không cho nhà thầu tạm ứng vốn khi chưa bàn giao mặt bằng hoặc chưa đảm bảo các điều kiện khởi công công trình theo quy định của Pháp luật về xây dựng. Tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công lập đường găng tiến độ chi tiết để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đẩy nhanh tiến độ.
Phân công trách nhiệm từng đồng chí Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, giám sát, đánh giá đầu tư công năm 2020; nhất là việc chấp hành các quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án,... Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí xây dựng; nghiên cứu việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát (trong trường hợp cần thiết) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020.
Tiếp tục rà soát, quyết định cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các dự án đến ngày 30/9/2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn năm 2020 cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh.
Thứ hai, cần trao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đi kèm với cơ chế bám sát tiến độ từng dự án. Đây là giải pháp được TP. Hồ Chí Minh lựa chọn. Cứ 2 tuần/lần, trực tiếp Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, Thành phố cũng giao cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phân loại dự án, nắm vững tiến trình từng dự án để có giải pháp thích hợp từng giai đoạn. Hàng tháng kiểm tra tiến độ thực địa, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường. Công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân... Nhờ đó, TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng giải ngân đầu tư công trong tháng 7/2020. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do TP. Hồ Chí Minh quản lý trong tháng 7/2020 đạt xấp xỉ 5.360 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với tháng trước và gấp ba lần cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư đã thực hiện xấp xỉ 18.000 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ nhưng mới đạt khoảng 40% kế hoạch. Đây là năm TP. Hồ Chí Minh ghi nhận tốc độ tăng trưởng và số thực hiện so với kế hoạch cao nhất từ trước đến nay.
Thứ ba, tổ chức hội nghị chuyên đề, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước. Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành, làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, các nguồn vốn đối với từng nhóm dự án cụ thể đều có thời hạn được giải ngân cụ thể và không được chuyển nguồn sang năm 2021. Trước yêu cầu thời hạn giải ngân của Trung ương, các Bộ, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải tập trung thực hiện hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020 theo quy định. Cụ thể, đến hết tháng 8/2020, phải giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Thường trực Chính phủ (2020). Tài liệu Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác giải ngân đầu tư công, vốn ODA năm 2020, ngày 16/7/2020
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020, Tài liệu báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, bộ, ngành, ngày 16/7/2020
3. Bộ Tài chính (2020). Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020
4. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020
5. Nguyễn Hoàng (2020). Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-Chia-khoa-cho-tang-truong-kinh-te/402995.vgp