Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phạm Tuấn Anh chủ trì buổi họp báo
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) Phạm Tuấn Anh, Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/9/2016. Luật Thuế XNK gồm 5 chương, 22 điều với nhiều điểm mới mang tính đột phá trong cải cách hành chính, miễn giảm thuế, hoàn thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: Việc ban hành Luật thuế lần này đã đảm bảo tính kế thừa những quy định của Luật thuế XNK số 45/2005/QH11, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan… tạo môi trường pháp lý, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành Luật và góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, cũng đã khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện, nhất là đối với các quy định về: đối tượng chịu thuế; khung thuế suất; thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, cải cách thủ tục hành chính, cải cách hệ thống thuế, hải quan theo các Chiến lược cải cách hệ thống thuế, hải quan giai đoạn 2011-2020 phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp về Biểu thuế xuất nhập khẩu của các FTA
Tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách Thuế cho biết: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có 10 Hiệp định đã có hiệu lực. Và để thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do cho giai đoạn 2016 - 2018/2019 với nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành, không làm thay đổi các điều kiện ưu đãi, thuế suất ưu đãi cụ thể, điều chỉnh phần tên gọi và mô tả hàng hóa cho phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với Luật thuế XNK 2016, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Buổi họp báo thu hút được sự quan tâm của đông đảo phóng viên các cơ quan Thông tấn báo chí
Cũng tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm đã được đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Hải quan giải đáp những vướng mắc liên quan đến Thuế trợ cấp chống bán phá giá, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động bởi Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu… Đặc biệt là vấn đề về phòng vệ thương mại, cũng như những tác động tới tỷ trọng thu NSNN từ thuế XNK khi thực thi các Hiệp định FTA. Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết: Trong quá trình thực thi các hiệp định FTA, đến nay Việt Nam đã ký kết 12 FTA và đã thực thi được 11 FTA, với phạm vi thực thi cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì quá trình giảm tỷ trọng thu từ thuế XNK là điều tất yếu và đã diễn ra từ khi khi Việt Nam gia nhập WTO. Trước khi Việt Nam ra nhập WTO thì thu thuế XNK bình quân giản đơn là 18%, qua quá trình thực thi cam kết WTO thì thuế bình quân giản đơn là khoảng 10%. Tuy nhiên, theo đánh giá tác động của các FTA, thì tỷ trọng thu tuyệt đối từ thuế XNK không giảm mà sẽ còn có xu hướng tăng lên, từ đó sẽ tạo lộ trình không gian chính sách phù hợp nhằm đảm bảo cân đối tỷ trong thu NSNN trong thời gian tới./.