Hàng hoa quả tươi tại chợ TP Hà Tĩnh ngày cận tết đông đúc khách hàng chọn mua.
Thời điểm trong tết, tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa được bày bán đủ chủng loại với sản phẩm đa dạng, người dân thỏa sức mua sắm.
Với lượng hàng hóa dự trữ từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân dịp tết. Sức mua hàng hóa tết tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường.
Đồng thời, Sở Công thương cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân với giá cả hợp lý, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.
Giá cả các loại hàng hóa thiết yếu như bánh kẹo, mứt, nước giải khát, dầu ăn, nước mắm, gạo… cơ bản ổn định. Tại các chợ truyền thống, quầy bán lẻ, nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hoa quả tươi, rau xanh những ngày giáp tết tăng khoảng 10 – 20% so với ngày thường.
Trong khi đó, tại các siêu thị, siêu thị mini, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn được triển khai để thu hút khách hàng, đặc biệt đối với các loại hàng hóa thiết yếu. Nhờ vậy, giảm một phần giá cả hàng hóa cho người tiêu dùng vào dịp tết.
Để phục vụ người dân mua sắm tết, các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân đến trưa ngày 30 tết. Các chợ truyền thống phục vụ khách hàng đến chiều ngày 30 và nhiều cửa hàng bán lẻ mở cửa đến tối 30 tết.
Giá thực phẩm những ngày cận tết và sau tết tăng khoảng 10 - 20% so với ngày thường.
Chị Nguyễn Thị Vân (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ngày 29 tết, tôi đi một vòng siêu thị đến chợ là đã mua sắm đầy đủ cho ngày tết. Hàng tết đủ loại, từ hàng tiêu dùng đến các sản phẩm trang trí nên người dân mua sắm thuận tiện, nhanh chóng. Năm nay, giá cau trầu rẻ hơn rất nhiều so với năm ngoái, còn lại các mặt hàng khác cũng cơ bản tương đương. Một số hàng thực phẩm có tăng giá nhẹ như chợ tết những năm trước nhưng cũng không có gì quá đắt đỏ”.
Hoạt động mua bán cây cảnh, hoa tươi dịp tết năm nay kém phần nhộn nhịp, sức mua giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường hoa, cây cảnh được bày bán đa dạng chủng loại với nhiều mức giá, phù hợp với nhu cầu lựa chọn của người dân. Mức giá đào phổ biến từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/cành; quất từ 800.000 đến 3 triệu đồng/cây; mai khoảng 2 - 4 triệu đồng/cây; cúc mâm xôi 500 - 600.000 đồng/cặp; cúc đại đóa 600 - 800.000 đồng/chậu...
Ngoài ra, cũng có những gốc đào, quất, mai, bưởi giá hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do thời tiết nhiều ngày mưa, không thuận lợi cho việc kinh doanh, hoạt động mua bán cây cảnh, hoa tươi kém phần nhộn nhịp, sức mua giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngày cận tết, giá cả mặt hàng này giảm so với những ngày trước đó.
Siêu thị Co.opmart mở bán đến trưa 30 tết và quay trở lại hoạt động vào ngày mùng 4 tết.
Trong ngày mùng 1 tết, hầu hết các tiểu thương tạm ngừng kinh doanh để đón năm mới. Sáng mùng 2, nhiều tiểu thương mở hàng khai xuân, trở lại hoạt động buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Từ mùng 4 tết, hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+, Co.opmart cũng trở lại hoạt động.
Ông Trần Đình Chung - phụ trách marketing siêu thị Co.opmart cho biết: “Siêu thị bán hàng đến trưa ngày 30 tết và mở cửa trở lại vào ngày mùng 4 tết. Năm nay, chúng tôi đã dự trữ lượng hàng hóa nhiều hơn năm trước, sức mua những ngày trước tết tăng mạnh so với ngày thường”.
Theo các tiểu thương, hoạt động mua bán đầu năm mới chưa sôi động. Các mặt hàng được mở bán sớm chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa, quả tươi và các đồ lễ phục vụ nhu cầu mua sắm đi lễ đầu xuân và tổ chức lễ mừng thọ. Những ngày đầu năm mới, do tiểu thương bán hàng chưa nhiều, nguồn cung không lớn nên giá thực phẩm tại các chợ dân sinh cao hơn ngày thường khoảng 10 - 20%.
Từ mùng 2 tết, nhiều tiểu thương đã mở hàng khai xuân, phục vụ nhu cầu mua sắm đầu năm của người dân.
Mở hàng bán rau vào sáng mùng 2 tết, chị Hoàng Thị Hiền - tiểu thương chợ Cổ Đạm (Nghi Xuân) chia sẻ: “Sáng mùng 2 tết, tôi mở hàng khai xuân. Đầu năm, nguồn rau nhập về còn ít và khó nhập, người bán ít nên giá khá cao so với ngày thường. Từ khoảng mùng 4 tết trở đi, giá cả cơ bản đã ổn định, lượng người đến chợ mua sắm cũng nhiều hơn”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa, với sự chủ động chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, các tiểu thương nên hàng hóa đa dạng, dồi dào, phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân; không có tình trạng thiếu hụt hàng, tăng giá đột biến. Công tác kiểm tra, kiểm soát, theo dõi tình hình thị trường được các ngành chức năng được tăng cường, tập trung cao; nhờ đó, hoạt động mua bán trước, trong và sau tết Nguyên đán 2023 diễn ra ổn định.
Linkgốc: https://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/nguon-cung-hang-hoa-dip-tet-da-dang-dap-ung-nhu-cau-mua-sam-cua-nguoi-dan-ha-tinh/243641.htm