Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, công tác giám định tư pháp nói chung và công tác giám định trong lĩnh vực tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành Tài chính.
Bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Bộ Tài chính đã hình thành đội ngũ 1.858 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám định, trong đó 1.712 giám định viên tư pháp, 146 người giám định tư pháp theo vụ việc. Các giám định viên của Bộ Tài chính đã tham gia hàng trăm lượt giám định, cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đưa ra những kết luận giám định khách quan, đúng đắn, công minh giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của đương sự, tránh oan sai.
Nhấn mạnh ý nghĩ của việc tổ chức Hội nghị, bà Hồ Thị Hằng cho biết: “Để triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục thực hiện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất cho tổ chức giám định tư pháp, chính sách thu hút, tôn vinh người giám định. Bên cạnh đó, do yêu cầu của tình hình mới về tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người giám định tư pháp và đội ngũ người tiến hành tố tụng, nâng cao năng lực cho các giám định viên trong lĩnh vực Tài chính, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định tư pháp lĩnh vực Tài chính cho đội ngũ giám định viên ngành Tài chính”.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thụy – Trưởng phòng Quản lý giám định Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã trình bày những quy định chung về giám định tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiếp nhận và thực hiện công tác giám định tư pháp, một số vấn đề pháp lý trong quá trình tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính...
Hội nghị cũng lắng nghe nhiều tham luận của các đại biểu về công tác giám định trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Văn Tứ - Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho biết, Phòng Thanh tra – Kiểm tra của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ cơ quan trưng cầu giám định và đề xuất cử người thực hiện giám định, tổng hợp, báo cáo về công tác giám định theo định kỳ… Dù được quan tâm và nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ từ các đơn vị chuyên môn nhưng công tác giám định tư pháp tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Tứ cho biết: “Những công chức được bổ nhiệm làm giám định viên hiện nay đều đang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đôi lúc giám định viên phải tự trang trải chi phí đi lại nhằm thực hiện tốt công tác giám định. Bên cạnh đó, do tính chất của việc giám định tư pháp là một hoạt động trong tố tụng và người giám định tư pháp chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định nên những giám định viên rất e dè, ngại khó khi được đề cử thực hiện giám định. Đôi khi nội dung yêu cầu giám định của cơ quan trưng cầu giám định chưa cụ thể hoặc không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của ngành Thuế hoặc chỉ là nội dung về trao đổi chính sách, pháp luật về thuế dẫn đến những người được phân công giám định lúng túng khi giải quyết sự việc…”.
Bà Nguyễn Thị Thụy – Trưởng phòng Quản lý giám định Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) báo cáo tại Hội nghị những quy định chung về giám định tư pháp
Tham luận tại Hội nghị, bà Bùi Thị Tuyết Trinh – Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn Khu vực 1, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc của người giám định tư pháp ngành Hải quan khi thực hiện giám định tư pháp. Theo bà Trinh, việc trưng cầu giám định tư pháp đối với các vụ việc của cơ quan tố tụng (chủ yếu là từ cơ quan sảnh sát điều tra PC03) gửi ngành Hải quan hiện tại đang bị trùng lắp bởi hầu hết các hồ sơ, vụ việc do cơ quan Hải quan chuyển qua Viện kiểm soát hoặc Cơ quan điều tra. Tại những hồ sơ đó đã đầy đủ các nội dung từ khi phát hiện vi phạm đến các bước xử lý hồ sơ (đánh giá hành vi vi phạm, xác định trị giá hàng vi phạm). Điều này dẫn đến tình trạng cùng một nội dung nhưng đơn vị phải xử lý hai lần.
Nhiều khó khăn khác cũng được bà Trinh chia sẻ như: Trong quá trình thực hiện việc giám định tư pháp, tâm lý của cá nhân là “theo phân công của lãnh đạo” chứ chưa theo bản chất riêng biệt là tự chịu trách nhiệm. Do đó, vẫn có tình trạng e ngại, né tránh khi được bổ nhiệm, phân công thực hiện; Việc tiếp cận đối tượng giám định rất khó khăn (cơ quan trưng cầu giám định không chuyển hoặc chuyển chậm) hoặc hồ sơ, vụ việc phát sinh tại 1 đơn vị còn người giám định tư pháp lại ở 1 đơn vị khác (thậm chí không cùng Chi cục, Cục); Việc chuẩn hóa hồ sơ giám định tư pháp hiện chưa có quy trình, quy định, mẫu biểu cụ thể của ngành Hải quan mà dựa theo các biểu mẫu của điều tra hình sự theo Thông tư 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017… Vì thế, bà Trinh kiến nghị cần xây dựng, ban hành các mẫu biểu về giám định tư pháp trong ngành hải quan để thực hiện thống nhất, đúng bản chất vụ việc, hồ sơ trong quá trình điều tra mang tính đặc thù của ngành.
Bên cạnh các tham luận nêu trên, các đại biểu tham dự Hội cũng đề xuất cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn trong công tác giám định; Đề xuất Bộ Tài chính và các đơn vị trong ngành có chế độ khen thưởng, bồi dưỡng, hỗ trợ cho những người thực hiện giám định tư pháp nhằm động viên, khích lệ họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Đánh giá lại sự cần thiết trong việc trưng cầu giám định tư pháp những vụ việc, hồ sơ do cơ quan Hải quan chuyển qua cơ quan tố tụng để rút ngắn được trình tự, thời gian tố tụng của hồ sơ, vụ việc, tránh trùng lắp một nội dung nhưng đơn vị phải làm lại hai lần…
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đã ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu và giải đáp một số kiến nghị thuộc phạm vị trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Theo kế hoạch vào cuối tháng 10, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị Tập huấn kiến thức và nghiệp vụ giám định tư pháp lĩnh vực Tài chính” cho các cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp ngành Tài chính khu vực phía Bắc. Qua đó các cán bộ, công chức làm giám định viên trong toàn ngành Tài chính sẽ nắm bắt được nhiều vấn đề về hoạt động tư pháp để triển khai tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Ông Trần Văn Tứ - Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho biết, dù được quan tâm và nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ từ các đơn vị chuyên môn nhưng công tác giám định tư pháp tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít khó khăn
Bà Bùi Thị Tuyết Trinh – Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn Khu vực 1, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cần xây dựng, ban hành các mẫu biểu về giám định tư pháp trong ngành hải quan để thực hiện thống nhất, đúng bản chất vụ việc, hồ sơ trong quá trình điều tra mang tính đặc thù của ngành
Các đại biểu tham dự Hội nghị cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác thực tế