Sáng 16/5/2019, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc Hội nghị Quản lý tài sản công được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Quyết định, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 08 Thông tư hướng dẫn. Ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Hợp đồng BT Chính phủ đang xem xét để ban hành, cho đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.
Sau 01 năm triển khai luật, đã có 11 Bộ, ngành ở trung ương và 62 địa phương đã ban hành văn bản về phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; 12 Bộ, ngành và 32 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dụng; tạo ra sự đồng bộ chung trong việc thực thi quy định pháp luật.
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất, tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc bố trí trụ sở làm việc cũng như rà soát các cơ sở nhà, đất để xây dựng phương án cổ phần hóa đối với các các doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh đó, các bộ ngành địa phương cũng đã rà soát để phân loại các tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, hiện nay cũng đang rà soát để phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo tinh thần Nghị định Chính phủ mới ban hành.
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, hướng dẫn phân cấp đăng nhập dữ liệu tài sản công và sử dụng các phần mềm khác để quản lý tài sản chuyên dùng, tạo điều kiện cho các đơn vị truy cập vào hệ thống để quản lý tài sản của mình, đồng thời đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách cho các cơ quan, đơn vị.
"Việc quản lý tài sản công theo luật mới đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng", Thứ trưởng đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong quá trình thực hiện cho thấy có một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện, cụ thể là: Việc phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý sắp xếp xử lý tài sản công ở đơn vị, địa phương mình, có thể là quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để lấy tiền thu vào NSNN; Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, chủ yếu ở cấp Nghị định cần được nêu rõ hơn như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn của nhà nước, doanh nghiệp có hình thức công ty mẹ, công ty con,…đều cần có hướng dẫn cụ thể; Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng của một số Bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chậm, từ đó đã có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở; Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để sử dụng quản lý tài sản công đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Do đó, Hội nghị là dịp để Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, các địa phương đánh giá và làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.
Toàn cảnh Hội nghị
"Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời phòng phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản công”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.
Những kết quả đạt được
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản La Văn Thịnh cho biết về kết quả tổ chức triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, về công tác phổ biến pháp luật và các văn bản quy định chi tiết: Đã có 30 Bộ, ngành và 60 địa phương tổ chức tập huấn triển khai Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến các cơ quan chủ quản, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn đến tận lãnh đạo, cán bộ tài chính cấp xã. Các Bộ, ngành, địa phương còn lại đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đề nghị triển khai thi hành Luật hoặc tổ chức họp để quán triệt việc triển khai Luật.
Thứ hai, về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành: Đã có 29 Bộ, ngành và 63 địa phương thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành, địa phương liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ ba, về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP: Đã có 11 Bộ, ngành và 62 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công.Một số Bộ, ngành, địa phương báo cáo đã thực hiện phân cấp; tuy nhiên, văn bản phân cấp là văn bản đã ban hành theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đến nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã hết hiệu lực thi hành; vì vậy, chưa được xác định là đã ban hành văn bản quy định về phân cấp quản lý tài sản công.
Thứ tư, về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng: Đối với máy móc, thiết bị, đã có 06 Bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 02 Bộ, ngành và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành; các Bộ, ngành, địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chưa thực hiện. Về định mức cụ thể: Đã có 12 Bộ, ngành và 32 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, có 05 Bộ, ngành và 03 địa phương tiếp tục thực hiện theo các Quyết định về tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng đã ban hành theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg. 02 Bộ, ngành báo cáo không có máy móc, thiết bị chuyên dùng.
Đối với trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp: Đã có 03 Bộ, ngành và 05 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; 07 Bộ, ngành và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp. Về định mức cụ thể: Đã có 02 Bộ, ngành và 05 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng, công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản trình bày báo cáo tại Hội nghị
Thứ năm, về việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước: Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì Bộ Tài chính, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính - Bộ Công an, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện có trách nhiệm mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý công sản đã mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính - Bộ Công an và 62 địa phương đã thực hiện việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định; 01 địa phương chưa thực hiện việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Thứ sáu, về việc rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ thuốc): Đã có 26 Bộ, ngành và 51 địa phương đã thực hiện việc rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung.
Thứ bảy, về một số nội dung khác liên quan đến phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công: Đã có 01 Bộ, ngành và 09 địa phương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê; 09 địa phương đang xây dựng dự thảo; 02 địa phương đang xin ý kiến dự thảo; 02 địa phương đang trình Uỷ ban nhân dân tỉnh; 37 địa phương chưa thực hiện. Các Bộ, ngành khác không có báo cáo về nội dung này.
Đã có 02 Bộ và 30 địa phương ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; 01 Bộ và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp. Các Bộ, ngành, địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng dự thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Thứ tám, về việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa: Đã có 14 địa phương thực hiện việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản; 02 địa phương báo cáo không phát sinh công việc do địa bàn tỉnh không có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa; các địa phương còn lại chưa thực hiện hoặc không báo cáo nội dung này.
Thứ chín, về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công: Bộ Tài chính đã có văn bản gửi từng Bộ, ngành, địa phương đề nghị thực hiện việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để bảo đảm hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý. Về việc cập nhật, chuẩn hóa: Đã có 31 Bộ, ngành và 62 địa phương thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; 04 Bộ, ngành và 01 địa phương chưa thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu.
Về phân cấp đăng nhập dữ liệu về tài sản công và sử dụng các Phần mềm khác để quản lý tài sản cố định: Có 19 Bộ, ngành và 34 địa phương thực hiện phân cấp đăng nhập dữ liệu về tài sản công vào Phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước; có 34 địa phương thực hiện phân cấp đăng nhập dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vào Phần mềm quản lý đăng ký tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về việc sử dụng các Phần mềm khác để quản lý tài sản cố định: Có 21 Bộ, ngành và 35 địa phương có sử dụng các Phần mềm khác (ngoài Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước) để quản lý tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cũng theo ông La Văn Thịnh, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với luật, nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung, như: việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác; tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Nguyên nhân là do các bộ chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện luật nên đến nay vẫn chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền, có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...
Để tiếp tục triển khai luật trong thời gian tới, ông La Văn Thịnh cho biết, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của đại biểu tham dự cũng như ghi nhận nhiều kết quả tích cực, qua đó cho thấy Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đưa ra những mặt còn vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất các ý kiến để hoàn thiện thêm về cơ chế, chính sách cũng như cách thức quản lý để phù hợp hơn khi thực hiện luật.