Lễ cắt băng khánh thành Di tích Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 cơ quan ấn loát đặc biệt của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Vào cuối năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định cho lưu hành tờ bạc Việt Nam trên phạm vi cả nước và đã nhanh chóng trở thành một vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc đảm bảo cung cấp các nguồn lực tài chính cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ này, Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ đã có một đối sách hết sức chủ động và linh hoạt với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bằng nhiều con đường khác nhau, tờ bạc của Chính phủ phát hành đã được lưu thông ở các vùng chiến khu Nam Bộ và ven Sài Gòn – Gia Định, hình thành một thị trường tiền tệ đan xen.
Ngày 01/11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 102/SL cho phép phát hành tín phiếu trị giá 20 triệu đồng tại Nam Bộ, đồng thời thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) do đồng chí Ngô Tấn Nhơn làm Trưởng ban. Để che mắt địch và Việt gian, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được mang biệt danh là “Ban Trồng tỉa số 10”. Quá trình in giấy bạc ở Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thời kỳ này vô cùng khó khăn gian khổ, nhất là từ năm 1949, địch mở rộng chiến tranh, đánh phá nhiều nơi, nên để đảm bảo an toàn việc in giấy bạc, Cơ quan Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã phải nhiều lần di chuyển địa điểm, vận chuyển máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu… tới vùng Sác – U Minh, Cà Mau.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại Lễ khánh thành
Tại lễ khánh thành, bác Nguyễn Văn Hùng - nguyên là Cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ cho biết: Vào khoảng tháng 9/1949, theo chủ trương của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã di dời về khu 9 Nam Bộ - chiến khu U Minh thuộc tỉnh Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau). Dù khó khăn gian khổ, dù phải hi sinh nhưng tất cả mọi cán bộ, công nhân làm việc trong Cơ quan Ấn loát vẫn một lòng sắc son với cách mạng, vượt lên tất cả, với quyết tâm in ra những tờ giấy bạc Việt Nam (giấy bạc Cụ Hồ) để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Để tạo ra nguồn lực phục vụ cho công cuộc kháng chiến, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ một mặt thành lập thêm các Phân ban Ấn loát, mặt khác thành lập các phân xưởng sản xuất giấy in bạc, cơ khí, thiết bị in… để tạo thế chủ động và nâng cấp chất lượng tờ giấy bạc Việt Nam.
Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã sản xuất và phát hành đồng tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ ở khu vực Nam Bộ, đây là một công cụ, một phương tiện, một vũ khí sắc bén có hiệu quả để đấu tranh trên mặt trận tài chính, tiền tệ với thực dân Pháp xâm lược, đã khẳng định chủ quyền quản lý tài chính, tiền tệ sau khi giành chính quyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Công Nghiệp cho biết: Trong 7 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép in giấy bạc Việt Nam tại Nam Bộ. Mặc dù trong bối cảnh chiến tranh ác liệt lại bị chia cắt hoàn toàn với miền Bắc và miền Trung, nhưng Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã làm nên một điều kỳ diệu là vượt qua tất cả hy sinh, gian khó để thực hiện thắng lợi chủ trương của Trung ương, in và phát hành những tờ bạc Việt Nam ở Nam Bộ, khẳng định chủ quyền về kinh tế Tài chính của quốc gia Việt Nam độc lập, tạo ra nguồn lực Tài chính phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến của dân tộc. Những công lao đóng góp to lớn của các cán bộ, công nhân Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ luôn là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam.
Toàn cảnh Lễ khánh thành
Thay mặt cán bộ, công chức ngành Tài chính cả nước, Thứ trưởng bày tỏ lòng biết ơn với những tình cảm, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Cà Mau đã bao bọc, che chở cán bộ Ban Ấn loát trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thứ trưởng mong muốn chính quyền và nhân dân xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn tiếp tục quan tâm hơn nữa để Di tích lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ phát huy được tối đa giá trị lịch sử cách mạng, trở thành điểm sáng, niềm tự hào về truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Di tích bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ gồm một quần thể kiến trúc với các hạng mục chính như: Tượng đài kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sỹ, hệ thống sân vườn, hàng rào, chiếu sáng... Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 27/7/2012, với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư nâng cấp trường Mầm non Sơn Ca. Di tích là nơi tưởng niệm và cũng là một cột mốc để ghi nhớ, góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cùng Ban chấp hành Liên Chi hội Nhà báo ngành Tài chính đã đến thăm và tặng quà cho cô và trò Trường Mầm non Sơn Ca, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau đây là ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ khánh thành:
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cùng các đại biểu dâng hương tại Bia Liệt sĩ, xã Hàm Rồng
Bác Nguyễn Văn Hùng – Nguyên cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ phát biểu tại Lễ khánh thành
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp, Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp trao tặng quà cho Trường mầm non xã Hàm Rồng