Quyết toán dự án hoàn thành là khâu cuối cùng của quá trình đầu tư xây dựng nhằm đánh giá đúng giá trị đầu tư dự án để đưa vào khai thác sử dụng, qua đó xác định năng lực sản xuất giá trị tài sản mới tăng thêm làm cơ sở cho hạch toán, quản lý của đơn vị được giao khai thác vận hành.
Với vai trò quan trọng của công tác quyết toán dự án hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các Bộ/Địa phương/Đơn vị đẩy mạnh công tác này trong nhiều năm qua.
Theo số liệu báo cáo của 30 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho thấy năm 2017 toàn quốc có 77.187 dự án hoàn thành, trong đó đã phê duyệt quyết toán đối với 56.434 dự án với tổng giá trị được phê duyệt 488.415 tỷ đồng, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán 2.847,4 tỷ đồng bằng 0,58% giá trị đề nghị quyết toán.
Số chưa quyết toán là 20.753 dự án, trong đó có 13.052 dự án với tổng mức đầu tư là 504.300 tỷ đồng chưa nộp hồ sơ quyết toán, số đã nộp song chậm phê duyệt quyết toán là 1.814 dự án.
Qua tổng hợp, đánh giá kết quả công tác quyết toán dự án hoàn thành cho thấy:
Thứ nhất, chất lượng công tác tổng hợp của các Bộ, địa phương, đơn vị còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu như không tuân thủ đúng thời gian báo cáo (20/30 Bộ, 13/63 địa phương nộp đúng thời hạn); số liệu báo cáo còn nhiều sai sót không thống nhất, bảng biểu không đúng quy định gây khó khăn cho công tác tổng hợp, đánh giá.
Thứ hai, tỷ lệ dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán so với tổng dự án hoàn thành trong năm 2017 đạt khoảng 73% tương đương năm 2016 (74%), song giá trị cao hơn 85.059 tỉ đồng và số dự án tồn tiếp tục được chuyển sang thẩm tra phê duyệt trong năm 2018 (20.753 dự án) giảm so với 2016 (22.156 dự án).
Thứ ba, qua số liệu báo cáo cho thấy chênh lệch khá lớn giữa giá trị đề nghị quyết toán và giá trị được quyết toán so với tổng mức đầu tư của các dự án được phê duyệt dự án hoàn thành trong năm 2017 (chỉ chiếm 50- 58%); nếu số liệu báo cáo là chính xác thì việc lập dự toán, chuẩn bị dự án ban đầu chưa sát thực tế. Tương tự đối với các dự án hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán, giá trị thanh toán so với tổng mức đầu tư là 153.192 tỷ đồng/504.299 tỷ đồng chiếm 30,4% (trong đó khối trung ương: 34,3%; khối địa phương: 53,8%; khối tập đoàn, tổng công ty: 13,1%) sẽ là áp lực trong việc tiếp tục bố trí, thanh toán vốn trong nhiều năm tiếp của các Bộ/Địa phương.
Để tiếp tục năng cao chất lượng quyết toán dự án hoàn thành cũng như chất lượng công tác báo cáo tổng hợp, Bộ Tài chính đề nghị Thủ trưởng các cơ quan đơn vị trung ương, địa phương chỉ đạo bộ phận liên quan rà soát, kiểm tra lại tính chính xác của các số liệu báo cáo của đơn vị mình; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp theo đúng hướng dẫn và quy định; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong các khâu thực hiện làm cơ sở đánh giá công tác và thành tích hàng năm; ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành, giảm dần số dự án tồn đọng quyết toán hàng năm. Đối với các đơn vị thẩm tra, lập báo cáo tổng hợp bám sát các chỉ đạo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành; chủ động tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý vướng mắc liên quan đến quá trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.