Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, Hội đồng nhân dân Tỉnh Quảng Nam, đại diện các sở, ban, ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện tại Quảng Ngãi và một số đơn vị của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010. Đây là một chương trình khung toàn diện nhất để cộng đồng chung sức xây dựng một nông thôn mới hiện đại nhằm tạo ra những giá trị mới của nông thôn Việt Nam, đó là một nông thôn hiện đại hàm chứa những giá trị kinh tế mới trên cơ sở hạ tầng hiện đại, sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng cao, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển, xã hội nông thôn an ninh tốt, phát huy tính dân chủ cao trong xây dựng nông thôn mới.
Theo quyết định trên, vốn và nguồn vốn thực hiện chương trình gồm 4 nguồn: nguồn vốn ngân sách (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình; Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại) khoảng 30%; Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.
Cơ chế huy động cũng được thực hiện theo hướng đa dạng hoá các nguồn vốn thông qua lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động tối đa nguồn lực của địa phương; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân; các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư; các nguồn vốn tín dụng; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2013) đã huy động được một nguồn lực lớn để từng bước thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; hình thức huy động được thực hiện khá đa dạng và cơ chế huy động khá linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong huy động nguồn lực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy những tồn tại và thách thức đặt ra.
Qua 4 bài tham luận và những ý kiến trao đổi, hội thảo đã tập trung thảo luận về kết quả đã đạt được và thách thức trong việc huy động nguồn lực; trong đó, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng như tính đa dạng trong huy động nguồn lực, tính ưu tiên trong việc phân bổ nguồn lực, tính khả thi trong huy động nguồn lực từ cộng đồng, tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực, tính công khai và minh bạch trong quản lý nguồn lực… Đồng thời, những yếu tố có tác động đến quá trình huy động và phân bổ nguồn lực xây dựng nông thôn mới cũng được thảo luận cụ thể như tiêu chí nông thôn mới, vấn đề quy hoạch, sự đồng bộ và nhất quán của cơ chế chính sách, vai trò của các tổ chức đoàn thể…
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã thảo luận về những giải pháp, đề xuất để thu hút nguồn lực, tăng cường năng lực gắn kết trong thời gian tới. Theo đó, vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm chính là tính lồng ghép trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới để tránh tình trạng lãng phí, cũng như đề cao việc huy động nguồn lực từ nhân dân, từ đất đai, tài nguyên, lao động và trí tuệ phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, tính bền vững trong huy động nguồn lực cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham gia Hội thảo.
Hữu Tuấn