Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Thứ trưởng cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì Hội nghị
Điều hành quyết liệt thu, chi NSNN
Thay mặt Ban Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải trình bày báo cáo về công tác tài chính NSNN 6 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, 6 tháng đầu năm tổng thu cân đối NSNN ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017, trong đó:
Thu nội địa lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa ước đạt 402,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017. Ccơ quan Thuế đã tích cực rà soát, kiểm tra, giám sát việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp; đôn đốc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4,7 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2 nghìn tỷ đồng); thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử; tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn chính sách, pháp luật về thuế.Ước tính 6 tháng có 45/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.
Thu từ dầu thô: Lũy kế 6 tháng ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2017; giá dầu thô thanh toán bình quân 6 tháng khoảng 71 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng 6 tháng ước đạt 6,2 triệu tấn, bằng 55% dự toán, bằng 91% cùng kỳ năm 2017.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Lũy kế 6 tháng ước đạt 146 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (47,8 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN 6 tháng đạt 98,2 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% dự toán, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2017.
Việc thực hiện cam kết về khu vực kinh tế tự do ASEAN (ATIGA), với trên 90% dòng hàng được cắt giảm thuế suất nhập khẩu về còn 0%, trong đó có một mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng, sắt thép..., đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Hải quan đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý thu, kiểm tra sau thông quan; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt 225,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, song số thu NSNN chỉ tăng 2%.
Tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 130 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.
Riêng thực hiện chi đầu tư XDCB (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), tuy tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017 (đạt 31,7% dự toán so với mức 25,6% cùng kỳ), song vẫn chậm so yêu cầu dự toán (có 35 bộ, ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán). Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Về cân đối ngân sách nhà nước: Cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã thực hiện phát hành 89,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày báo cáo tại Hội nghị
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
Cũng báo cáo về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết về một số kết quả đạt được, cụ thể:
Xây dựng thể chế, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Công tác xây dựng thể chế đã bám sát chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình công tác năm 2018 của Bộ Tài chính. Trong 6 tháng đầu năm, đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 01 nghị quyết và đang xem xét ban hành 01 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 24 đề án (gồm: 12 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 đề án khác), tính cả số đề án đã trình từ cuối năm 2017 chuyển sang, đến nay đã có 25 Nghị định và 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Bộ Tài chính đã ban hành 56 thông tư theo thẩm quyền; Bộ Tài chính đã hoàn thành 35/35 nhiệm vụ cải cách hành chính và triển khai 21 nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch; phối hợp với 13 Bộ sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính (chiếm 92%). Đẩy mạnh điện tử hóa công tác thu NSNN; đã có 99,88% số doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng; 95,84% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 93,27% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan; đã có 11/14 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, có 53/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế này (đạt 18,66%).
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối kết hợp với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Bộ Tài chính đã thực hiện giải thể các Phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh từ ngày 01/6/2018; tiếp tục rà soát để sắp xếp, sáp nhập các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành Chi cục thuế khu vực; rà soát để sắp xếp các Chi cục hải quan, dự trữ nhà nước.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật chứng khoán (sửa đổi) theo đúng thời hạn của Chính phủ giao; đã trình Chính phủ cho ý kiến đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán; áp dụng các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Đến cuối tháng 6/2018, quy mô thị trường chứng khoán tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và đạt tỷ lệ khoảng 77,7% GDP; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 7 nghị định (trong đó có 6 nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của 4 tập đoàn, 2 tổng công ty). Tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra.
Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ thực tế 6 tháng đầu năm bình quân là 13,61 năm, lãi suất bình quân khoảng 4,44%/năm. Đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ (giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của NHTM từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 52%). Tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của NSĐP trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Toàn cảnh Hội nghị
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát: Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục); tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương đã tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn thị trường trên địa bàn. Tuy nhiên, áp lực duy trì lạm phát ở mức 4% trong phạm vi Quốc hội cho phép ngày càng lớn, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 3,29% so cùng kỳ năm 2017.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội: Trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán cho các đối tượng chính sách. Xuất cấp trên 61,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. NSTW đã sử dụng dự phòng khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo an toàn đê điều và hồ đập.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách: Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã thực hiện trên 35,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm...; kiến nghị xử lý tài chính trên 7,2 nghìn tỷ đồng, đã thu nộp vào NSNN 4,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 22 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 15 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1,91 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 30,2 nghìn doanh nghiệp, đạt 33,8% kế hoạch, kiểm tra 224,8 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN trên 5,7 nghìn tỷ đồng, chống chuyển giá, giảm lỗ trên 9 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 4,4 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, kiến nghị thu vào NSNN 1,48 nghìn tỷ đồng. Các cơ quan KBNN, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán Nhà nước, Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã làm tốt vai trò Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.Đã bắt giữ, xử lý 6,27 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý thu NSNN 85 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 24 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác khởi tố 40 vụ.
Về công tác hợp tác quốc tế và tài chính đối ngoại: Bộ Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về tài chính trong khu vực ASEAN, ASEAN+3, ASEM, APEC. Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.Đánh giá tác động của việc cắt giảm thuế quan trong các FTA; đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài./.