Hội nghị tập trung thảo luận với 4 nội dung lớn gồm: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tham gia hội nghị trực tuyến của Chính phủ
tại điểm cầu Bộ Tài chính
Nhiều ngành kinh tế thế mạnh tăng trưởng thấp
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thủ tướng cho biết, chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn như hiện nay. Cùng với thế giới, Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta, làm suy yếu cả cung và cầu.
Theo Thủ tướng Chính phủ, với mức tăng trưởng trong quý I/2020 là 3,82%. mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó có một số ngành là thế mạnh của Việt Nam nhưng tăng trưởng thấp như nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ… Nhiều ngành như hàng không, du lịch, dịch vụ ảnh hưởng rất nặng nề. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4% so với tháng 2. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực (thương mại, dịch vụ, bất động sản, hàng không…) hoạt động cầm chừng, thiếu nguyên liệu, thu hẹp quy mô lao động…
“Những vấn đề đó đặt ra rất cấp bách đối với nước ta, mang tính sống còn đối với sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu không có biện pháp phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh sẽ kéo theo hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng các cấp lần thứ 13. Nếu không có biện pháp quyết liệt, thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, bị âm trong phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Chính phủ, hội nghị này là hội nghị trực tuyến “4 trong 1”, “tất cả trong 1”, nhằm huy động tổng lực của đất nước, huy động khí thế quyết tâm của cả nước chiến thắng dịch và vươn lên trong cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến nguy thành cơ, sau dịch, nền kinh tế phải tăng trưởng tốt, phải đạt được tầm nhìn, quyết tâm về Việt Nam độc lập, tự cường. Việt Nam chưa từng biết lùi bước trước khó khăn, quyết tâm trên dưới một lòng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã cảm ơn người dân đã đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ ngăn ngừa dịch bệnh, thấy được sự cùng cố gắng của các cấp các ngành, nền kinh tế có tăng trưởng. Quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đưa ra các dự báo lạc quan về nền kinh tế và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Về các giải pháp tài khóa, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất lên đến 180 nghìn tỷ đồng.
Phải hoàn thành giải ngân 700 nghìn tỷ đồng trong năm 2020
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019 và năm 2020, với số tiền lên đến 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ này “là vô cùng quan trọng”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, vấn đề đặt ra là phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, địa phương về giải ngân cả vốn vay, vốn ODA. Đến tháng 9 nếu không có kết quả giải ngân sẽ điều chuyển vốn của các dự án này. Ngoài ra, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đó, cần giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với quá trình triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy giải ngân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Số vốn giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, nên các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt để giải ngân 100% vốn. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật kỷ cương người đứng đầu nếu không đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí thực hiện nhiệm vụ. Nếu dự án chậm giải ngân, sẽ điều chuyển cho các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu về vốn.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến tháng 9/2020, sẽ tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó, nếu các dự án giải ngân dưới 60% sẽ điều chuyển vốn, ưu tiên cho các dự án chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…/.