Theo kế hoạch của UBND tỉnh, tương ứng với 5 cấp độ của dịch Covid-19 sẽ có các giải pháp cụ thể về công tác chỉ đạo kiểm tra, truyền thông, giám sát, dự phòng, điều trị và hậu cần để ứng phó.
Cấp độ 1 - Chưa ghi nhận trường hợp bệnh xác định: Nâng cao năng lực, đẩy mạnh giám sát; kịp thời nắm bắt, cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; nhanh chóng thiết lập, duy trì các đội đáp ứng nhanh. Đặc biệt, xây dựng khu cách ly tập trung cấp tỉnh và cấp huyện để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly tập trung những trường hợp nhập cảnh, trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh, người đi từ vùng dịch về theo quy định.
Thực hiện tốt công tác sàng lọc người dân, người bệnh khi đến cơ sở y tế (Ảnh: Người dân đến BVĐK tỉnh phải thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế nghiêm túc).
Thường xuyên cập nhật, thống kê, phân loại các trường hợp liên quan đến ca nhiễm (F2, F3..), người sau hoàn thành cách ly tập trung, sau điều trị Covid-19, các trường hợp đi từ các vùng có dịch Covid-19 về để hướng dẫn, triển khai thực hiện cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Đảm bảo có sẵn quy trình phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm viêm phổi cấp do Covid-19, không được để lây nhiễm trong bệnh viện. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
Cấp độ 2 - Có ca bệnh xác định xâm nhập vào địa bàn: Triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để dịch lan rộng. Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng ít nhất 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm.
Quản lý chặt chẽ người nhập cảnh qua cửa khẩu, bến cảng.
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly y tế tại nhà theo quy định, hướng dẫn việc chăm sóc tại nhà của người bệnh và phòng ngừa lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình. Tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, qua lại tại cửa khẩu, cảng biển, tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, cảng biển.
Về công tác điều trị, BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là cơ sở triển khai thu dung, cách ly, điều trị, quản lý trường hợp bệnh nhẹ trong toàn tỉnh, còn BVĐK tỉnh là đơn vị tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nặng. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Triển khai hội chẩn trực tuyến để bệnh viện tuyến trung ương tư vấn, hội chẩn hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Cấp độ 3 - Có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ở mức dưới 20 trường hợp mắc bệnh: Thực hiện truy vết thần tốc, khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp các khu vực có người nhiễm bệnh, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn thể người dân trong khu vực phong tỏa để sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời.
Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, các trường hợp đến/về địa bàn Hà Tĩnh từ ngoại tỉnh, các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan để lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp lây nhiễm thứ phát đầu tiên, kiểm soát lây lan rộng.
Tăng cường năng lực, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính.
Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, người trở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.
Triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luôn sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.
Đề xuất các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ về nhân lực, vật lực cho các cơ sở y tế trong thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Cấp độ 4 - Dịch bệnh lây lan từ 20 đến 100 trường hợp trên địa bàn tỉnh: Triển khai các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng diện rộng, phong tỏa diện hẹp, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.
Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp, các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong cộng đồng. Tiếp tục triển khai giám sát viêm phổi nặng do vi rút, đẩy mạnh việc giám sát dựa vào sự kiện, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng. Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa tham gia chống dịch.
Ở cấp độ 4 sẽ truy vết thần tốc, khoanh vùng diện rộng, phong tỏa diện hẹp, xử lý triệt để ổ dịch mới (Ảnh: Lực lượng chức năng phong tỏa thôn Việt Yên khi có ca bệnh tái dương tính).
Trong công tác điều trị, thực hiện quyết liệt việc phân tuyến để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải cho BVĐK tỉnh và các bệnh viện tuyến cuối ở Trung ương. Triển khai bệnh viện dã chiến tại khu trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũ và trụ sở của Sở Y tế. Huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư...) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động nhân lực tập trung cho địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Cấp độ 5 - Dịch bệnh lây lan trên 100 trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh: Tăng cường giám sát thường xuyên tình hình dịch bệnh. Thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm 3-5 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính tại ổ dịch mới để xét nghiệm xác định ổ dịch. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới và thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ tại các ổ dịch.
Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, lực lượng vũ trang tham gia chống dịch. Duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Thực hiện áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh sẽ là bệnh diễn dã chiến số 2 khi dịch ở cấp độ 5.
Trong công tác điều trị sẽ huy động nguồn nhân lực, vật lực của các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cho các đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19. Duy trì hoạt động liên tục của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm cả dịch vụ có các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.
Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến, hạn chế vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tránh hiện tượng quá tải. Duy trì và mở rộng bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, bệnh viện các tuyến trên địa bàn quá tải không có khả năng thu dung và điều trị thêm bệnh nhân. Triển khai tiếp bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh. Đề xuất hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, nhân lực từ Trung ương khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.