Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính cùng tham dự Hội nghị này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đầu tư công đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng chậm giải ngân đầu tư công trong gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế. Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà diễn ra trong nhiều năm qua và đặc biệt năm nay giải ngân rất thấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019”
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chậm giải ngân đầu tư công đã gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có 4 hậu quả lớn. Thứ nhất, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế bởi yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Thứ hai là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín giảm sút.
Từ những hậu quả nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. Qua đó đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn trong những tháng cuối năm 2019, cũng như rút kinh nghiệm để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn.
Không có nguyên nhân duy nhất cho vấn đề chậm giải ngân
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong công tác phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2019, lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng hơn 33.683 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương chưa xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh…
Toàn cảnh Hội nghị
Về thực trạng giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt trên 192 nghìn tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp. Hiện có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; trong đó, 4 Bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%. Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Các nguyên nhân rất phong phú, đa dạng, không có nguyên nhân duy nhất cho vấn đề chậm giải ngân, có nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân của các nguyên nhân…”. Trên cơ sở tổng hợp, cập nhật báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại ra các nguyên nhân chính. Theo đó, về nguyên nhân khách quan, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được lý giải là do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Những vướng mắc này đã được nhận diện trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công nhưng do Luật mới chưa có hiệu lực nên vẫn còn tồn tại các vướng mắc như công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần… Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc về khiếu kiện đất đai, sự khác biệt về thủ tục giải ngân, rút vốn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đối với các dự án ODA…
Cùng với các nguyên nhân khách quan nói trên còn có nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Cụ thể, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thành thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch… Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp.
Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án…
Một nguyên nhân chủ quan khá quan trọng cũng được chỉ ra đó là công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch… Giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài…
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục đào tạo… và một số tỉnh, thành như TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đắc Nông… cũng đã chỉ ra thực trạng và nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại bộ, ngành, địa phương. Qua đó, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ về mặt thể chế để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án.
Quyết liệt giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ Hội nghị này sẽ có một Nghị quyết tốt của Chính phủ để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thủ tướng đã chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vì có nhiều quy định chồng chéo. Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án, “đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với các bộ, ngành, địa phương có số vốn được giao lớn, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện, phấn đấu quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ trọng điểm, cấp bách, không để kéo dài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5/10/2019; Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10/2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Theo dõi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương, báo cáo tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng để dôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ này…
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc; Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi…