Thông báo nêu rõ, thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao; Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ các khó khăn về thể chế tạo điều kiện cho thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến hết tháng 9 năm 2021 chỉ đạt 47,38% kế hoạch được giao (cùng kỳ năm 2020 là 56,33%); trong đó, 36 Bộ, cơ quan Trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; chỉ có 4 cơ quan trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 - Ảnh: VGP
Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng kinh tế động lực của cả nước; giá vật liệu xây dựng tăng; việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, huy động nhân lực khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội... Song, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém nên vướng mắc khi triển khai; việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm…
Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 Bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu
Trong những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước dịch bệnh vẫn tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở đi đôi với tăng cường phân cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương.
Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP, số 45/NQ-CP, số 63/NQ-CP; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Thực hiện ngay việc điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn hoặc điều chỉnh để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu còn) theo thẩm quyền quy định hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với số vốn không có khả năng giải ngân hết của Bộ, cơ quan, địa phương mình để có phương án điều chuyển cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt.
Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, chuẩn bị kỹ nội dung và thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ nhà tài trợ; xử lý kịp thời các vướng mắc về thanh, quyết toán, rút vốn. Bộ Tài chính cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương công khai kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử các bộ, cơ quan, địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài
Cũng liên quan đến nội dung giải ngân vốn đầu tư công, ngày mai (07/10), Bộ Tài chính sẽ tổ chức các Hội nghị trực tuyến với bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài nhằm phối hợp cùng các Bộ ngành, địa phương để cập nhật các vướng mắc, chậm trễ trong quá trình thực hiện các dự án vay vốn nước ngoài, qua đó đề xuất các giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến hết năm 2021.
Hình ảnh hội nghị trực tuyến với địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài được Bộ Tài chính tổ chức
Việc tổ chức các Hội nghị về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài được Bộ Tài chính thực hiện thường xuyên trong thời gian qua. Qua đó đã kịp thời có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài. Cổng TTĐT Bộ Tài chính sẽ cập nhật thông tin về các hội nghị này vào ngày mai.