Phó Viện trưởng Viện CL&CSTC Lê Hải Mơ phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, TS. Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện CL&CSTC nhấn mạnh: “Nợ công và quản lý nợ công là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Thời gian qua, chúng ta đã huy động có hiệu quả nguồn vốn để bù đắp bội chi NSNN, tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thông qua cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước, tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Cơ cấu nợ đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.
TS Lê Hải Mơ cho rằng: Để quản tốt nợ công, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cần có sự đổi mới cách thức quản lý, phân định rõ trách nhiệm và cơ cấu lại một cách bền vững, qua đó vừa huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Viện CL&CSTC cho biết: Công tác quản lý nợ công hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nợ công đang cao và có tốc độ tăng nhanh, trung bình 20%/năm trong giai đoạn 2011-2016. Dư nợ công đang tiệm cận giới hạn cho phép. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ công trên GDP đạt 63,7%; nợ của Chính phủ 52,6% và nợ nước ngoài của quốc gia 44,3%. Trong khi đó, khối lượng vốn huy động trong nước tăng nhanh, vượt khả năng cung ứng vốn trung và dài hạn trên thị trường.
Để có cơ sở lý luận cũng như thực tiễn về quản lý nợ công trong tình hình hiện nay nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng như các chuyên gia kinh tế, tài chính tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề về đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam; Khuôn khổ thể chế quản lý nợ công; Cơ cấu lại nguồn thu, chi NSNN; Các định hướng và giải pháp quản lý nợ công trong thời gian tới; hay các kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về quản lý nợ công…
Nhìn nhận từ góc độ quản lý, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết: Tồn tại trong quản lý nợ công của Việt Nam thời gian qua, đó là hệ thống các công cụ quản lý nợ mặc dù đã được ban hành nhưng việc huy động vốn vay đã thoát ly chiến lược, kế hoạch được phê duyệt nên hiệu lực thi hành thấp, bị động, chưa có các chế tài để đảm bảo việc tuân thủ trong tổ chức thực hiện các công cụ. Bên cạnh đó cơ chế hiện hành về bảo lãnh vẫn dựa nhiều vào bao cấp của Nhà nước, NSNN chịu rủi ro tín dụng; có dự án trả nợ được nhưng chây ỳ không trả, không bố trí tài sản đảm bảo. Quy định cụ thể về phân loại nợ, trích lập và xử lý rủi ro,... cũng chưa có nên khi có nợ xấu hoặc nợ quá hạn không có nguồn để xử lý, phải điều chỉnh cơ chế tài chính, tái cơ cấu nợ bằng cách chuyển sang đầu tư vốn nhà nước hoặc cấp phát làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Võ Hữu Hiển phát biểu tại hội thảo
Đặc biệt, chế tài xử lý chưa nghiêm, vẫn còn tình trang các chủ dự án, các bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành đầy đủ các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ tiêu nguồn vốn từ NSNN. Hệ thống thông tin, số liệu về nợ công chưa được cập nhật thường xuyên; chế độ báo cáo chưa chấp hành đầy đủ, chậm so với yêu cầu và chất lượng không cao, nhất là đối với nợ của khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh và địa phương.
Ông Võ Hữu Hiển cho rằng: Với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 vừa được Quốc hội thông qua, những tồn tại nói trên sẽ sớm được giải quyết trên phương diện thể chế. Luật này cụ thể hóa “danh sách” các khoản được gọi là nợ công gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Khoản nợ tự vay tự trả của DNNN không được đưa vào phạm vi này. Điều này sẽ dễ dàng, minh bạch hơn cho công tác tính toán nợ công cũng như trách nhiệm trả nợ. Với Luật mới, điều kiện cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cũng được siết chặt nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn như DN phải không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất, không có nợ quá hạn,... Điều kiện cấp bảo lãnh cũng được thắt chặt cho từng nhóm đối tượng.
Cùng chung quan điểm, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Luật Quản lý nợ công vừa được Quốc hội thông qua đã xác lập phạm vi cụ thể, kiểm soát chặt chẽ cho vay lại vốn vay nước ngoài đối với chính quyền địa phương và bảo lãnh của Chính phủ, cũng như pháp lý hóa các quy định một cách đầy đủ, công khai minh bạch trách nhiệm giải trình.
“Để đảm bảo Luật quản lý nợ công được thực thi, Chính phủ cần xây dựng các văn bản dưới Luật, hướng dẫn chi tiết, cụ thể để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống”. Chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn phát biểu tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, theo TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc tăng cường công khai, minh bạch nợ công là điều vô cùng quan trọng. Điều này sẽ đem lại niềm tin với các thị trường và định chế tài chính; giúp nhà quản lý sớm nhìn ra vấn đề để đưa ra biện pháp kịp thời, đúng đắn,...Ngoài ra, ông Tuấn kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ, bao gồm rủi ro đồng tiền vay, lãi suất, tỷ giá, khả năng thanh toán, tín dụng và hoạt động để hạn chế thấp nhất chi phí và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia./.