Phối cảnh cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam
Đây là đề xuất vừa được Bộ Giao thông - Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước sau khi đạt được sự đồng thuận với UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo Bộ GTVT, phương án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT là không phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên địa bàn.
Cụ thể, việc đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT có khó khăn do phải bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong điều kiện đã có trạm thu giá dịch vụ tại cầu Bến Thủy trên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người dân khi có nhu cầu lưu thông qua sông Lam, khó được nhân dân địa phương đồng thuận.
Trước đây, việc thu giá thực hiện cho tất cả các đối tượng, tuy nhiên thời gian vừa qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo công bằng hơn cho người dân xung quanh trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đi lại nhiều lần, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với địa phương, các Nhà đầu tư BOT miễn, giảm giá cho vùng lân cận. Mặt khác, khi tuyến đường ven biển chưa được nối thông, các phương tiện lưu thông qua cầu Cửa Hội chủ yếu là dân cư trong khu vực lân cận sẽ được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ nên làm giảm khả năng hoàn vốn của Nhà đầu tư dẫn đến dự án BOT không hiệu quả tài chính và mức độ quan tâm của các Nhà đầu tư cho dự án cũng giảm.
“Do vậy, Bộ Giao thông - Vận tải và 2 tỉnh thống nhất lựa chọn hình thức đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất phương án xây dựng cầu chính là cầu Extradosed (kết hợp giữa cầu dây văng và cầu đúc hẫng), bề rộng cầu 16m có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng chỉ thực hiện trong phạm vi phần vốn Nhà nước đã cân đối, bố trí cho dự án. Phương án xây dựng theo cầu chính là cầu Extradosed và đầu tư theo hình thức đầu tư công sẽ triển khai nhanh hơn so với phương án triển khai theo hình thức BOT khoảng 1 năm do không phải thực hiện bước lựa chọn Nhà đầu tư.
Trước đó, vào tháng 8/2017, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội trên QL8B, theo hình thức hợp đồng BOT.
Phương án xây dựng cầu chính cầu Cửa Hội đã được Bộ Giao thông vận tải đã làm việc, thống nhất với UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cầu dây văng, bề rộng cầu 16,0m để tạo điểm nhấn kiến trúc, phù hợp với sự phát triển cảng biển và du lịch, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.669,03 tỷ đồng, trong đó: phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 950 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương: bố trí từ nguồn vốn tiếp tục còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên 450 tỷ đồng; vốn địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh 500 tỷ đồng), phần vốn Nhà đầu tư huy động là 719,03 tỷ đồng.