Lấy lại đà tăng trưởng
Nếu như năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh giảm hơn 16% thì năm 2023, con số này đã tăng gần 8%. Trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế, kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực bứt phá của công nghiệp Hà Tĩnh.
Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải đã chủ động nhiều giải pháp vượt khó trong năm 2023.
Chia sẻ về một năm vượt khó, ông Lã Thái Hải - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải (TX Kỳ Anh) cho hay: “Trước tình hình khó khăn chung, công ty đã chủ động thực hiện các giải pháp để thúc đẩy SXKD, trong đó, chú trọng đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đưa ra chiến lược hợp lý, tạo ra các mặt hàng mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và xây dựng chỉ tiêu cụ thể đối với từng loại sản phẩm”.
Là doanh nghiệp “đầu tàu” của ngành công nghiệp với sản phẩm thép, phôi thép, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh luôn duy trì nhịp độ sản xuất và nỗ lực trong tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, năm 2023, sản lượng thép - sản phẩm chủ lực của công nghiệp Hà Tĩnh đạt hơn 4,8 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2022.
Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hạnh trở lại góp phần đưa sản lượng điện sản xuất năm 2023 tăng cao so với năm 2022.
Ngày 12/8 đã trở thành một ngày đặc biệt đối với Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và ngành công nghiệp nói chung khi Tổ máy số 1 của nhà máy vận hành trở lại sau 2 năm tạm ngừng hoạt động vì sự cố. Đây cũng là một trong những thành tố góp phần đưa sản lượng điện sản xuất năm 2023 tăng cao so với năm 2022. Đại diện Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cho biết, với việc vận hành ổn định song song 2 tổ máy, đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng, tối ưu hóa công tác vận hành nhà máy, sản lượng điện năm 2023 đạt hơn 4,5 tỷ kWh, doanh thu đạt gần 9.000 tỷ đồng.
Một bước phát triển mới của ngành công nghiệp Hà Tĩnh là Nhà máy Sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động thương mại từ tháng 7/2023. Lần đầu tiên, trong danh sách những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có tên “ắc quy bằng ion lithium”. Không chỉ đa dạng sản phẩm, nhà máy đi vào sản xuất đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp. Theo anh Trịnh Xuân Tú - Trưởng xưởng Nhà máy Sản xuất Pin VinES, nhà máy sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, mức độ tự động hóa cao. Tính đến hết năm 2023, nhà máy sản xuất được khoảng 1.600 sản phẩm pack pin.
Nhà máy sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động từ tháng 7/2023, lần đầu tiên ngành công nghiệp Hà Tĩnh có sản phẩm “ắc quy bằng ion lithi”.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Đóng góp vào tăng trưởng chỉ số toàn ngành công nghiệp năm 2023, chỉ số các ngành cấp 1 đều tăng so với năm 2022. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 11,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 14%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,87%. Trong 20 nhóm sản phẩm, có 10 sản phẩm tăng sản lượng, chủ yếu là các sản phẩm chủ lực như: thép, bia, điện, bê tông trộn sẵn...”.
Kỳ vọng từ những dự án mới...
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2023, sự phát triển bền vững của công nghiệp Hà Tĩnh được khẳng định khi thời gian tới, những “đại dự án” được triển khai và đi vào hoạt động. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 được kỳ vọng là một trong những trung tâm sản xuất điện quy mô lớn của Hà Tĩnh, “cú hích” cho ngành công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế tỉnh nói chung.
Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nỗ lực từ phía nhà đầu tư, tiến độ thi công nhà máy đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đến nay, dự án đã hoàn thành 70% kế hoạch, lũy kế giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng.
Điểm danh các dự án trọng điểm của ngành công nghiệp đang triển khai còn có Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion, Nhà máy Thủy điện Vũ Quang, Nhà máy May Pro Sports Nghi Xuân...
Đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 1.600 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2023. Với nhà đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP), dự án được kỳ vọng sẽ là “cực” thu hút đầu tư hiệu quả, tạo đột phá phát triển KT-XH của tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà được chấp thuận chủ trương đầu tư được kỳ vọng sẽ là “cực” thu hút đầu tư hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp được định hướng phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhằm đưa công nghiệp phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và trở thành động lực cho quá trình phát triển KT-XH trong chặng đường mới, Hà Tĩnh đã tích cực trong hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát đầu tư các dự án lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh đang ưu tiên, đó là công nghiệp hậu thép, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; năng lượng tái tạo; chế biến nông sản; dệt may...
Năm 2023 đánh dấu một năm đầy nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Những thành quả đó đang vẽ nên bức tranh tươi sáng của ngành công nghiệp Hà Tĩnh với những nhân tố mới đầy triển vọng, để công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “đầu kéo” tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh.