Chiều 14/7, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến Đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng dự.
Đưa Hà Tĩnh vào nhóm địa phương dẫn đầu về chính quyền số vào năm 2025
Tại cuộc họp, đại biểu đã được nghe dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết về Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 (gọi tắt là Đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số). Đề án khẳng định quan điểm chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện; là giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng đời sống cộng đồng. Quá trình phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số phải gắn với cải cách hành chính, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng tới xã hội số an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trình bày dự thảo Đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Chuyển đổi số cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, là cuộc cách mạng của toàn dân. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp chịu trách nhiệm chính về kết quả mọi hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số; gắn quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Phát triển đồng bộ chính quyền số, đô thị thông minh, kinh tế số trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP hàng năm và thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Công Thành: Quá trình xây dựng dự thảo, Sở đã tiến hành xin ý kiến bằng văn bản và nhận được sự đóng góp sâu sát, trách nhiệm của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, lấy ý kiến trực tiếp.
Dự thảo đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030, trong đó, phấn đấu đến 2025 đưa Hà Tĩnh vào nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về chính quyền số; đến năm 2030, cơ bản hoàn thành lộ trình chuyển đổi số, hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số đồng bộ; duy trì Hà Tĩnh thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về chính quyền số.
Bí thư Thành uỷ TP Hà Tĩnh Dương Tất Thắng: Tên gọi của đề án, nghị quyết cần ngắn gọn hơn, đảm bảo tính khái quát. Đề án cần làm rõ sự ảnh hưởng của chính quyền số, đô thị thông minh, kinh tế số… trong phát triển kinh tế - xã hội. Nên lựa chọn một số nội dung, phần mềm cụ thể, chất lượng để đưa vào ứng dụng; khoanh vùng, phân loại theo thứ tự ưu tiên.
Dự thảo đề án cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và tổ chức thực hiện đối với các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Khái toán tổng kinh phí thực hiện đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số khoảng 1.500 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025).
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng: Vấn đề chuyển đổi số, số hoá là nội dung mới và khó. Vì vậy, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên quyết tâm chuyển đổi số.
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết ban hành nghị quyết phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: Phần giải pháp, cần đưa mục tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số lên đầu tiên. Việc phát triển chính phủ số, đô thị thông minh và kinh tế số đã trở thành xu hướng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Hà Tĩnh, chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số đã từng bước hình thành và có những tín hiệu tích cực.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Các chỉ tiêu đưa ra trong nghị quyết trên cơ sơ căn cứ pháp lý, căn cứ các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vấn đề đặt ra là các giải pháp để thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Đại biểu cũng cho rằng đây là vấn đề mới và khó, vì vậy, cần có cách tiếp cận phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh, làm rõ một số nội dung như: tên gọi đề án, nghị quyết cần bao quát hơn; các mục tiêu, nhiệm vụ cần rõ ràng, cụ thể hơn; làm rõ số liệu khảo sát, đánh giá việc thực hiện kinh tế số; cần lộ trình rõ hơn, bám sát thực tiễn để thực hiện mục tiêu kinh tế số trong 5 năm tới…
"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, nền kinh tế số trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại. Phát triển Chính phủ số, đô thị thông minh và kinh tế số đã trở thành xu hướng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đề án Phát triển Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 cần phải được ban hành bằng nghị quyết để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thế Dũng"
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng ghi nhận Ban cán sự đảng UBND tỉnh, tổ soạn thảo đề án đã chuẩn bị các nội dung làm việc kỹ lưỡng, công phu; thực hiện các bước xây dựng dự thảo đề án, nghị quyết đảm bảo quy trình.
“Việc ban hành Nghị quyết về Chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số là cần thiết. Đây là là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu đặc biệt quan trọng; là cuộc cách mạng của toàn dân” – Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng lưu ý một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, trong đó về tên gọi nghị quyết cần ngắn gọn hơn, bao trùm các phạm vi điều chỉnh; phần giải pháp cần sát thực tiễn, không quá vĩ mô. Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số là những nội dung mới và khó nhưng phải được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước, phù hợp với thực tiễn của tỉnh trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực. Đối với chính quyền số, các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải số hoá đồng bộ các quy trình nghiệp vụ, hồ sơ, dữ liệu quản lý; phải đủ điều kiện cung cấp dịch vụ hành chính công bằng dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đối với đô thị thông minh cần phải có đề án thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù địa phương và định hướng phát triển đô thị của tỉnh. Đối với phát triển kinh tế số cần cụ thể phương án và lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng số; cần quan tâm chuyển đổi số trong các doanh nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế số trong nông nghiệp để phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch. Khi phát triển chính quyền số, kinh tế số thì phải bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự đô thị, an ninh quốc gia; không để bị lợi dụng phá hoại, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Nghị quyết trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.