Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương cần chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, thương mại - dịch vụ.
Báo cáo của lãnh đạo Sở Công thương và các phòng ban, đơn vị trực thuộc sở về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công thương khẳng định những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tăng trưởng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các nhà máy lớn hoạt động hiệu quả, sản phẩm chủ lực tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Thị trường hàng hóa ổn định, cơ bản phục hồi sau sự cố môi trường biển.
Hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển ngành được hoàn thiện, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; Quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ, xăng dầu, khí ga hóa lỏng… Đến nay, toàn tỉnh có 22 cụm công nghiệp, thu hút 164 dự án đầu tư kinh doanh trong cụm, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm đạt 56,7%.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án hạ tầng TM-DV, đề nghị UBND tỉnh cần yêu cầu nhà đầu tư quan tâm đến quy mô hiện đại, văn minh phù hợp với xu thế phát triển.
Trên lĩnh vực quản lý thị trường, Sở và đơn vị chức năng đã chủ động tham mưu, triển khai, xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm trên thị trường và trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả và an toàn thực phẩm. Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng tuyên truyền pháp luật trong kinh doanh, khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố giác sai phạm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm soát, ổn định thị trường.
Chi cục phó Chi Cục QLTT Nguyễn Hữu Hạnh: Việc xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang còn “vướng” một số nghị định, thông tư, hướng dẫn nên khó xử lý triệt để.
Trên lĩnh vực cải cách hành chính, Sở Công thương đã rà soát, tinh gọn, giảm đầu mối, sáp nhập một số phòng chuyên môn; rà soát, đơn giản hóa TTHC đối với 62 TTHC, đề nghị bãi bỏ hoặc đơn giản hóa cách thức thực hiện 10 TTHC.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương cũng báo cáo, làm rõ một số nội dung chính của Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo với quan điểm, định hướng “Phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ hiện đại, tiên tiến, bảo đảm tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ cao, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Mặc dù đạt được những kết quả tăng trưởng về công nghiệp, nhưng trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất, chế biến vẫn còn rất yếu, manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, ngành cần có những tham mưu, đề xuất, giải pháp hiệu quả hơn để phát triển lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Sở Công thương cần có những tham mưu giúp UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thu hút nhiều nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TMDV.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh ghi nhận những đóng góp của ngành công thương trong việc tham mưu, điều hành, quản lý trên lĩnh vực công thương, đặc biệt đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, TMDV, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại… góp phần phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, những kết quả đạt được chỉ mới là bước đầu, nhìn chung CN-TTCN, TM-DV trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo ít và còn manh mún nhỏ lẻ.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ; tiếp tục thúc đẩy sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, thương mại - dịch vụ.
Về đề án phát triển Công nghiệp - TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các số liệu, bảng biểu, đặc biệt phần giải pháp cần rõ, cụ thể hơn, tính khả thi cao trước khi trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết.