Ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục TH&TKTC phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục TH&TKTC cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học và sự đột phá của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo đang là xu thế tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ của các quốc gia trên thế giới đã nhận thấy tầm quan trọng của Chính phủ số, là bước phát triển cao hơn tiếp theo của Chính phủ điện tử. “Thông qua cuộc Hội thảo này nhằm nghiên cứu, tìm hiểu mô hình và giải pháp chuyển đổi Chính phủ số của các nước trên thế giới, từ đó xác định mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số phù hợp với ngành Tài chính với việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản lý điều hành xây dựng Tài chính số” - ông Mai nhấn mạnh.
Ông Scott Rusell - Chủ tịch SAP Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Scott Rusell - Chủ tịch SAP Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản cho biết, Chính phủ số là yếu tố tạo ra sự khác biệt, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân và tăng cường sự công khai minh bạch trong các cơ chế chính sách của Nhà nước.
Theo ông Scott Rusell, Chính phủ thông minh bao gồm 3 thành phần chính là: Bộ phần mềm thông tin; công nghệ thông minh; nền tảng số. Trong đó, nền tảng số giúp lưu trữ thu thập bất kỳ loại dữ liệu nào để sử dụng các công cụ phân tích, dự báo. Chính việc thu thập dữ liệu, xử lý thông tin sẽ giúp Chính phủ đáp ứng được lợi ích của người dân. Từ đó, Chính phủ sẽ có khả năng đổi mới công tác quản lý về dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Cục TH&TKTC cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính trong ngành như: Đã hình thành và triển khai có hiệu quả một số hệ thống thông tin lớn như hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính, hệ thống đăng ký tài sản nhà nước…
Để tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã có những định hướng phát triển CNTT trong chiến lược chuyển đổi số của ngành. Mới đây, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về việc triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách với mục tiêu: “Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.
Đại diện Cục TH&TKTC cho biết, về định hướng phát triển CNTT trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Tài chính được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Đến năm 2020 “Xây dựng Tài chính điện tử”. Ở giai đoạn này, Bộ Tài chính sẽ triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính trên cơ sở tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin trong ngành Tài chính; Triển khai đám mây ngành Tài chính ở mức hạ tầng và sử dụng đám mây chung đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện…
Giai đoạn thứ hai: Đến năm 2025 “Thiết lập hệ thống dữ liệu Tài chính mở”. Triển khai Kiến trúc Chính phủ số ngành Tài chính và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp…
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các công nghệ mới cũng như các bài học, giải pháp, lộ trình Chuyển đổi số mà SAP đã triển khai tại các nước trên thế giới. Đây là những kinh nghiệm quý báu giúp Bộ Tài chính có thể tham khảo trong quá trình hội nhập Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số của mình.