Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp
Thu ngân sách 11 tháng đạt gần 95% dự toán
Báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 11/2023 của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 11 tháng thu NSNN ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 96,3% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 93,2% dự toán).
Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.272,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán, giảm 3% so cùng kỳ năm 2022; Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 57,1 nghìn tỷ đồng, bằng 135,9% dự toán, giảm 19,3% so cùng kỳ năm 2022; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 205,6 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán, giảm 22,4% so cùng kỳ năm 2022.
Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối NSNN tháng 11 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 11 tháng đạt khoảng 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 36,3% (khoảng 122,7 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 84% dự toán, tăng 3,4% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 953 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 2,5% so cùng kỳ.
Về cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/11/2023, đã thực hiện phát hành 278,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,43 năm, lãi suất bình quân 3,26%/năm.
Lãnh đạo các đơn vị tham dự Hội nghị tại các điểm cầu
Phát biểu tại Hội nghị, từ điểm cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 11/2023 do ngành Thuế quản lý đạt 124.884 tỷ đồng, đạt 9,1 % so với dự toán, bằng 118,4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 11 tháng đạt 1.336 nghìn tỷ đồng, bằng 97,3% so với dự toán và bằng 96,7% so với cùng kỳ. Dự kiến tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý trong tháng 12 ước đạt 93 nghìn tỷ, Lũy kế thu nội địa năm 2023 sẽ đạt vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. “Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tích cực đôn đốc thu, thu hồi nợ đọng và triển khai công việc cuối năm và đầu năm 2024”, ông Mai Xuân Thành cho biết.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành thông tin, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, hiện nay, Tổng cục Thuế đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất.
Đối với việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ông Thành cho biết, hiện nay dự thảo Nghị định đang xin ý kiến các Bộ ngành, tuy nhiên, mới chỉ có Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng nhà nước gửi ý kiến tham gia về Tổng cục Thuế.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã hoàn thành xây dựng các tiêu chí phân loại và áp dụng tiêu chí hoàn thuế tự động. Trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong pháp luật về hoàn thuế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu từ điểm cầu Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, về thu ngân sách, lũy kế 11 tháng, cơ quan Hải quan đã đạt chỉ tiêu điều chỉnh của cả năm mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, phấn đấu tháng 12 thu ngân sách đạt khoảng 32-35 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Về chống buôn lậu, trong hơn 2.000 vụ vi phạm pháp luật hải quan tháng 11 và gần 14 nghìn vụ vi phạm pháp luật hải quan của 11 tháng, cơ quan Hải quan chủ trì phối hợp bắt giữ 224 vụ vi phạm pháp luật về ma tuý, bắt giữ gần 300 đối tượng, trong đó riêng cơ quan Hải quan chủ trì 112 vụ với 2,8 tấn ma tuý các loại bị bắt giữ.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính
Phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán 3%
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương các đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc triển khai công việc và tham mưu có chất lượng, chính xác, hiệu quả nên các nhiệm vụ cơ bản của ngành đều đã hoàn thành.
Về thu NSNN, theo Bộ trưởng, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta liên tục đưa ra những gói chính sách tài khóa khiến NSNN mỗi năm giảm thu gần 200 nghìn tỷ, nhưng ngành Tài chính vẫn đảm bảo hoàn thành các dự toán thu NSNN, Điều đó cho thấy sự nỗ lực, sự sáng tạo của các tập thể, đơn vị trong thu NSNN, đặc biệt đối với hai cơ quan thuế và hải quan.
Đối với nhiệm vụ trong tháng còn lại của năm, Bộ trưởng cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính rất nặng nề, đặc biệt là nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, khi lượng văn bản quy phạm pháp luật của ngành tài chính chiếm tỷ lệ rất lớn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động, tăng cường công tác truyền thông đối với những chính sách lớn của ngành Tài chính, được dư luận quan tâm để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai, thực hiện.
Về hệ thống CNTT, Bộ Tài chính là đơn vị tiên phong đi đầu trong hiện đại hoá. Tuy nhiên, công tác hiện đại hóa ngành đòi hỏi các đơn vị, đặc biệt là các hệ thống Tổng cục như Thuế, Hải quan, Kho bạc tiếp tục chủ động rà soát, nâng cấp, thay thế hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và của nền kinh tế.
Trong quản lý, điều hành ngân sách, đặc biệt là thu, chi ngân sách, hiện nay thu ngân sách đã đạt 97% dự toán, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành cần tập trung hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023, cố gắng phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán khoảng 3%. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với thu ngân sách, cần quản lý tốt hoá đơn điện tử, theo đó, phải cá thể hoá trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ “quản lý tốt hoá đơn thì sẽ quản lý tốt được việc hoàn thuế GTGT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung chống buôn lậu; theo sát, quản lý giá để kiểm soát giá cả dịp cuối năm, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, gạo..
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nền kinh tế. “Liên quan đến chính sách tài chính, các đơn vị thuộc Bộ cần cố gắng cùng với các Bộ, ngành bám Luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Khi nền kinh tế khó khăn, DN khó khăn thì thu ngân sách bị ảnh hưởng. Do đó, cốt lõi vẫn là thúc đấy DN phát triển, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, quản lý tốt thị trường tài chính, trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh, tín dụng ngân hàng để thúc đấy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phát triển”.