Thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) tổ chức lễ ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Ngày 7/11 vừa qua, tại thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh đã tổ chức lễ ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên ra mắt mô hình này, có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, xây dựng xã/thị trấn thông minh đến tận các hộ gia đình, người dân trong khu dân cư.
Bà Lê Thị Tâm (65 tuổi, trú thôn Tam Đồng) phấn khởi cho biết: “Tham gia buổi lễ ra mắt, tôi được các thành viên trong tổ hướng dẫn cài đặt sổ theo dõi sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế và tạo lập tài khoản thanh toán tiền điện trên điện thoại. Tuy bước đầu gặp không ít khó khăn do khả năng tiếp cận công nghệ còn chậm nhưng tôi đã được các thành viên trong tổ hỗ trợ rất nhiệt tình. Việc tiếp cận công nghệ số đã giúp tôi cập nhật thông tin nhanh, chính xác và rất tiện lợi".
Công an xã Cẩm Vịnh tích cực hỗ trợ người dân cài đặt phần mềm định danh điện tử trên điện thoại.
Được biết, đến nay xã Cẩm Vịnh đã thành lập 7 tổ chuyển đổi số cộng đồng, mỗi tổ gồm 3 thành viên, nòng cốt là trưởng thôn và cán bộ đoàn cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết: “Sử dụng những tiện ích của công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc hay đời sống xã hội đang trở thành xu hướng tại địa phương. Tổ chuyển đổi số đã hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại từng khu dân cư”.
Toàn huyện Cẩm Xuyên hiện đã thành lập được 15 tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Từ xã Cẩm Vịnh, tới nay, huyện Cẩm Xuyên đã nhân rộng tổ chuyển đổi số cộng đồng ra các địa phương như: thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Trung, với 15 tổ được thành lập. Các tổ đã phối hợp với các ngân hàng, công an xã... hỗ trợ người dân đăng ký thẻ ngân hàng, ví điện tử, hướng dẫn quy trình thanh toán tiền điện, mua bán và trao đổi bằng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, các tổ còn giúp người dân tạo địa chỉ số/điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, chính sách xã hội...
Cán bộ Chi nhánh Điện lực Đức Thọ hướng dẫn người dân cái đặt phần mềm nộp tiền điện qua tài khoản ngân hàng
Không chỉ tại huyện Cẩm Xuyên, mà tại các địa phương khác như: TX Kỳ Anh, Đức Thọ… cũng đã ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào ngày 10/11, thôn Tam Hải 1 (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) cũng đã ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng. Ông Lê Trọng Nghĩa - Trưởng thôn Tam Hải 1 cho biết: “Dù mới thành lập nhưng các thành viên trong tổ đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số.
Đồng thời, hướng dẫn người dân truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã, ngành, đơn vị để tra cứu thông tin, cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt… Nhiều người dân trong thôn sau khi nắm rõ các công nghệ cũng đã trở thành thành viên tích cực hỗ trợ bà con chưa thành thạo, từ đó cùng nhau lan tỏa chuyển đổi số”.
Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh) sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt phần mềm định danh điện tử.
Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh) cho biết: “Trước đây, các khoản thanh toán hóa đơn tiền điện, chuyển tiền… tôi đều phải đi đến các điểm thu để nộp, nhưng từ khi có tổ chuyển đổi số, tôi đã được các bạn đoàn viên tận tình hướng dẫn từng bước để chi trả hóa đơn qua điện thoại. Tuy còn nhiều khó khăn trong thao tác nhưng tôi thấy việc chuyển đổi số là điều cần thiết trong tương lai”.
Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thông tin: “Trên địa bàn xã đã thành lập được 10 tổ chuyển đổi số cộng đồng. Việc thành lập các tổ chuyển đổi số nhằm tăng cường sự tương tác giữa người dân với chính quyền địa phương trong việc xử lý các vấn đề trên địa bàn cũng như góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự”.
Cũng theo ông Thông, chuyển đổi số là cả quá trình, không đơn giản là một đích đến, vì thế, địa phương sẽ chỉ đạo các tổ thường xuyên trao đổi, học hỏi, cập nhật công nghệ mới từng ngày để nắm bắt thông tin, hướng dẫn cho người dân.
Việc thành lập tổ chuyển đổi số nhằm giúp người dân tiếp cận công nghệ và các tiện ích xã hội một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Tĩnh cho biết: Theo Kế hoạch 353/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 133 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn và 59 tổ cấp xã. Bước đầu, các tổ đã phát huy được vai trò “cầu nối” đưa các chủ trương, chính sách và tiện ích của công nghệ số tới từng người dân.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đầu mối là Phòng Văn hóa - Thông tin ra mắt thêm các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn cho các thành viên trong tổ nhằm truyền đạt các nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, gồm các nội dung thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử; sử dụng, khai thác các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Đây là những hạt nhân tích cực tại cơ sở, giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống” - ông Dương Văn Tuấn cho biết thêm.
Link gốc: https://baohatinh.vn/thiet-bi-so/cam-tay-chi-viec-giup-nguoi-dan-ha-tinh-chuyen-doi-so/240368.htm