GS.TS. Sử Đình Thành điều hành phiên thảo luận
Tại phiên thảo luận, vấn đề tìm nguồn lực tài chính được TS.Hà Huy Tuấn – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất với nhiều nhiều giải pháp khá táo bạo như: chính sách thuế tài sản, huy động nguồn lực từ đất đai để tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo TS Hà Huy Tuấn, cơ cấu lại nền kinh tế, phải làm rõ đó là phương tiện hay mục đích, định hướng cụ thể ra sao, mô hình là như thế nào. Ông cho rằng, các khái niệm đó là rất mỏng manh. “Nên chăng đặt vấn đề mục tiêu là phát triển nền kinh tế; còn cơ cấu chỉ là phương tiện”, ông Hà Huy Tuấn nhận định.
Gợi ý các chính sách tài chính trong thời gian tới, nhất là chính sách huy động nguồn lực, ông Hà Huy Tuấn nêu quan điểm, cần duy trì ổn định tỷ trọng thu thuế, phí; đơn giản hóa các chính sách, đơn giản mục tiêu, có thể hiểu là mỗi chính sách thuế chỉ cần đạt được một mục tiêu; thu ngân sách nên bình đẳng, công bằng, còn hỗ trợ nên chuyển sang phần chi ngân sách. Ông Hà Huy Tuấn cho rằng, tất cả các khoản thu - chi ngân sách phải quy về một mối và rõ cơ chế quản lý.
TS Hà Huy Tuấn tham luận tại diễn đàn
Về các chính sách thu ngân sách, ông Hà Huy Tuấn đề nghị, thuế trực thu cần phải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế. Đối với thuế gián thu, cũng cần giải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế và hợp nhất, đơn giản hóa thuế suất. Cho ý kiến về thuế tài sản, ông Tuấn cho rằng, phải coi đây là nguồn thu chính, giá tính thuế thực hiện theo giá thị trường gắn với quy hoạch đất đai và thuế suất.
Trong khi đó, bàn luận về “Chính sách tài chính phân bổ nguồn lực phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế”, PSG.TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho rằng, phân bổ nguồn lực là chính sách phục vụ chủ trương phát triển kinh tế tùy từng giai đoạn cụ thể. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn quá trình phân bổ lại nguồn lực tài chính trên phạm vi toàn quốc nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.
“Điều đáng mừng là quy mô nền kinh tế đã tăng cao; tài chính phục vụ ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra là tài chính làm gì để phục vụ mô hình tăng trưởng mới, chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu (năng suất, chất lượng, hiệu quả). Bộ Tài chính nên hoạch định lại chính sách tài chính quốc gia phục vụ mục tiêu tăng trưởng mới”. PGS.TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.
PSG.TS. Đặng Văn Thanh bàn luận về chính sách tài chính phân bổ nguồn lực phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế
Đưa ra các giải pháp về chính sách phân bổ nguồn lực, ông Đặng Văn Thanh đề xuất, nên sớm xây dựng Luật Tài chính quốc gia; có chính sách quản lý tập trung toàn bộ các nguồn quỹ quốc gia; nên tổng kết để có hệ thống chính sách thuế ổn định trong vòng 5 - 10 năm tới. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại thị trường trái phiếu chính phủ; huy động mạnh mẽ nguồn lực tài chính nhà nước; tiếp tục có chính sách huy động FDI và ODA có chọn lọc kỹ càng hơn; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực tài chính rõ ràng, hiệu quả hơn…
Cũng tại phiên thảo luận, đề cấp các vấn đề xoay quanh chính sách tài chính, tín dụng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho rằng: Đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 25% trong tổng dư nợ; doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều khởi sắc trong tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng, chiếm khoảng 19%; cho vay tiêu dùng là khoảng 19% trong tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước đã tập trung vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng cho vay ngắn hạn, lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại khoảng 1%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho rằng, cần điều chính chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng, tập trung vào đầu tư vốn cho trung và dài hạn cho nền kinh tế…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi tại Diễn đàn
Còn theo GS.TS Sử Đình Thành (Đại học Kinh tế TPHCM), vấn đề huy động nguồn lực cần phải có chính sách thông minh, đặc biệt là các chính sách về thuế và các chính sách khác cần đơn giản và tập trung vào các vấn đề chống thất thu, chống chuyển giá...Đi đôi với đó là vấn đề phân bổ nguồn lực, đặc biệt phân bổ nguồn lực phải chú trọng trung chuyển khu vực công trong tài chính nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Sử Đình Thành cũng cho rằng, các chính sách phân bổ nguồn lực cần phải đi đôi với chính sách huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đặc biệt cần đa dạng hóa là thị trường cung cấp dịch vụ công, để thu hút khu vực tư nhân tham gia. Vì vậy, phải tạo công cụ mới để thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng đó là một trong những trụ cột then chốt trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ ra những thách thức và những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay đó là: một số chính sách còn nhiều bất cập; Hạ tầng kinh tế xã hội đang là nút thắt cản trở phát triển kinh tế xã hội; Vấn đề hiệu quả vốn đầu tư công thấp, dàn trải; Vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; Cổ phần hóa DNNN chưa đi vào thực chất, tỉ trọng vốn của nhà nước tại các DN còn lớn, hiệu quả thấp; Xây dựng chính sách về đổi mới sáng tạo, kinh tế số còn hạn chế.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những gợi ý và các giải pháp của các diễn giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tại diễn đàn.
Đặc biệt là các giải pháp liên quan tới các nhóm vấn đề về xây dựng nhà nước kiến tạo để phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường tránh lợi ích nhóm; giải pháp đột phá khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kinh tế số; cũng như giải pháp về quản trị đầu tư công, nợ công, chính sách hợp tác công tư PPPP cũng như chính sách liên quan tới khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân…Thứ trưởng cho rằng đó là nhóm giải pháp rất sát với chủ đề của Diễn đàn.
Ngoài ra, các khuyến nghị của Tổ chức UNICEF và GIZ liên quan tới vấn đề đầu tư cho an sinh xã hội, trong đó tập trung vào các đối tượng yếu thế thông qua cơ chế tài chính công, các chính sách thuế phí về bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo mang tính bền vũng bằng hình thức hợp tác công – tư (PPP)…
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu kết luận
Thứ trưởng cũng đánh giá cao những kiến nghị giải pháp liên quan tới chính sách động viên trong giai đoạn tới, mở rộng cơ sở thuế, giảm hợp lý mức động viên, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như sự cần thiết ban hành các luật thuế tài sản, thuế bảo vệ môi trường…và các giải pháp đối với các quỹ ngoài ngân sách. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Các ý kiến của diễn giả sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách tài chính – ngân sách cả trước mắt cũng như lâu dài./.