Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tài chính – NSNN 6 đầu năm 2022, giải pháp nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Tài chính, các địa phương đều chung nhận định, 6 tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tăng nhanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần; cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế gặp nhiều khó khăn, gián đoạn; giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cùng với đó, việc ban hành các chính sách miễn giảm thuế đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách nhà nước của các địa phương.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã cùng vào cuộc, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện các giải pháp về tài chính ngân sách, nhờ đó, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn các tỉnh có nhiều khởi sắc.
Về phía TP Hải Phòng, đồng chí Lê Văn Huân, phó Chủ tịch UBND TP cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 11,1% so với cùng kỳ, đứng thứ 7 cả nước, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt trên 53.969 tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán Trung ương giao và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 31.900 tỷ đồng, bằng 57% dự toán Trung ương giao, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nội địa đạt 20.853 tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán Trung ương giao, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11.353 tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán Trung ương giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư đầu tư phát triển đạt 5.466 tỷ đồng, bằng 43% dự toán Trung ương giao, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Chi thường xuyên đạt 5.393 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán Trung ương giao, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân sách thành phố đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản chi thường xuyên theo dự toán được duyệt, ưu tiên kinh phí giải quyết chế độ chính sách an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: H.Thọ
Đại diện lãnh đạo một trong 4 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chủ động điều hành thu, chi ngân sách đảm bảo sát với thực tế của địa phương; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; quản lý, sử dụng tài sản công và quản lý giá cả, thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 10,66%, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 6,28%; Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,04%; Khu vực dịch vụ ước tăng 11,15%.
Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh thực hiện 6 tháng đầu năm là 27.909 tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán Trung ương giao, bằng 121% cùng kỳ. Thu NSTW được hưởng đạt 12.467 tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán Trung ương giao; thu NSĐP được hưởng là 15.442 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán TW giao, trong đó:
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện 6 tháng là 7.198 tỷ đồng (bao gồm cả số hoàn thuế C/O), đạt 71,9% dự toán TW giao, bằng 144% cùng kỳ; thu nội địa thực hiện 6 tháng là 20.710 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán trung ương giao, bằng 114% cùng kỳ, trong đó, thu từ thuế, phí đạt: 17.626 tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán trung ương giao; thu tiền sử dụng đất: 3.085 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán trung ương giao.
Chi ngân sách địa phương thực hiện 6 tháng là 10.623 tỷ đồng, đạt 39,5% dự toán trung ương giao, trong đó, chi đầu tư phát triển (kế hoạch năm 2022) thực hiện giải ngân được 5.994 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch vốn trung ương giao, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Chi thường xuyên thực hiện 4.332 tỷ đồng, đạt 27,8% dự toán trung ương giao, bằng 97% cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, cũng giống như tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang là địa bàn có thu NSNN ở khu vực dịch vụ khả quan. Thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phát huy tác dụng và đang đi đúng hướng. Thu NSNN tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,3% dự toán trung ương giao, trong đó, thu nội địa đạt 60% dự toán, 9/15 chỉ tiêu thu trên 50%, thu khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh. Chi NSNN đảm bảo đúng quy định, 43,2% dự toán trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công đạt 34,66%.
Dưới góc nhìn của lãnh đạo của một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Tiến, cho biết, TP Đà Nẵng đã hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý II/2022, trong đó, GRDP ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến 30/6/2022, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 13.882 tỷ đồng bằng 70,3% dự toán giao trung ương giao, trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt 71,4% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt đạt 67,1% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 8.126,7 tỷ đồng, đạt 49,7% dự toán, trong đó chi đầu tư XDCB theo dự toán đầu năm đạt 24,5%, chi thường xuyên đạt 44,7%.
Đối với TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, ngay từ đầu năm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, GRDP của thành phố có nhiều khởi sắc.
Tổng thu NSNN đến ngày 30/6/2022 theo dự toán được giao là 5.727 tỷ đồng, đạt 51,52% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, giảm 3,35% so cùng kỳ, trong đó, thu nội địa: 5.617 tỷ đồng, đạt 52,90% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, giảm 1,02% so với cùng kỳ. Trong đó có 10/15 nguồn thu đạt trên 50%. Thu hải quan là 110.611 tỷ đồng, đạt 22,12% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, giảm 55,94% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 30/6/2022 là 6.679 tỷ đồng, đạt 44,75% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 38,75% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, chi đầu tư XDCB từ nguồn cân đối ngân sách địa phương là 1.331 tỷ đồng, đạt 25,06% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 24,83% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 111,24% so cùng kỳ. Do vướng mắc về thủ tục, hồ sơ giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại TP Cần Thơ, vốn ODA chiếm 40%, do cơ chế giải ngân vốn ODA còn chậm nên chi đầu tư xây dựng cơ bản chưa tương xứng tiềm năng. Chi thường xuyên đạt 2.907 tỷ đồng, đạt 58,78% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 44,84% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 13,93% so cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,04% so cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 5,61% của 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, cả ba khu vực đều tăng so cùng kỳ (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; công nghiệp, xây dựng tăng 11,80%; dịch vụ tăng 7,62%, thuế sản phẩm tăng 2,40%.)
Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, GRDP đạt 6,82%, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm 2020. Thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.100 tỷ đồng, đạt hơn 57,3% so với dự toán được trung ương giao, thu nội địa đạt 61% dự toán trung ương giao. Có 11/15 khoản thu NSNN đạt dự toán được giao. Chi NSNN 6 tháng thực hiện khoảng 5.800 tỷ đồng, đạt 44,6% so với dự toán trung ương giao, tăng 15% so với cùng kỳ.
Phấn đấu hoàn thành vượt dự toán được giao
Có được những kết quả khả quan như trên, đại diện các địa phương bày tỏ cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương đối với địa phương trong thời gian qua.
“Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho Đà Nẵng ngày càng phát triển.”- đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng bày tỏ.
Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2022, sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN được giao.
Bày tỏ quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 100%, ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết “Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động linh hoạt thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, phấn đấu thu NSNN đạt và vượt dự toán trung ương giao, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu đến 30/9 giải ngân cơ bản 80% kế hoạch vốn giao đầu năm, đến 30/12 giải ngân 100% vốn đầu tư công và chi thường xuyên, không để tồn dư như năm 2021”.
Về phía tỉnh Sơn La, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng như ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đều chung ý kiến cho rằng, tuy là một trong ba tỉnh có thu NSNN không đạt dự toán trung ương giao trong 6 tháng đầu năm 2022 (thu nội địa đạt 1.768 tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán) tuy nhiên thu NSNN của Sơn La cả năm 2022 hoàn toàn có thể đạt và vượt dự toán do đặc thù của thu NSNN tỉnh là thu từ thủy điện, mà thủy điện chủ yếu thu vào quý III và IV.
Năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu thu ngân sách nội địa đạt 3.777 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính ngân sách những tháng còn lại năm 2022 theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ; Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính. Xây dựng giải pháp điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm, vừa thích ứng, kiểm soát an toàn dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.