Ngày 12/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Báo cáo của các địa phương tại Hội nghị đã cho thấy công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp đồng bộ cùng các chính sách khác trong thời gian qua đã góp phần giúp các địa phương đạt được một số kết quả kinh tế xã hội khả quan.
Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố báo cáo công tác tài chính – ngân sách nhà nước
tại các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Hữu Thọ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường… việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của trung ương và cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 của các tỉnh, thành cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy vậy, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đối với Hải Phòng, theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, ngay từ đầu năm 2019, UBND TP đã tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,30%, cao nhất từ trước đến nay. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố đạt mức tăng cao so với cùng kỳ, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng năm 2019 ước đạt 44.568 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 12.593,9 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30.954 tỷ đồng, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước 6 tháng năm 2019 đạt 10.473,4 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 4.661,4 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, chi thường xuyên đạt 5.113,9 tỷ đồng, tăng 26,7% so cùng kỳ năm trước.
Tại TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán và tăng 7,04% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ đồng, đạt 44,74% dự toán và tăng 2,17% so cùng kỳ. Thu từ dầu thô ước đạt 11.949 tỷ đồng, đạt 66,38% dự toán và tăng 2,80% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 59.500 tỷ đồng, đạt 54,69% dự toán và tăng 19,78% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng năm 2019 là 23.673 tỷ đồng, đạt 26,64% dự toán, tăng 6,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 20,12% dự toán HĐND thành phố thông qua, giảm 14,72% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 32,35% dự toán, tăng 12,75% so cùng kỳ, cho thấy dự toán chi ngân sách được bố trí hợp lý, sát với nhiệm vụ chi thực tế, đảm bảo việc sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả…
Đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết thu ngân sách khả quan, chi ngân sách chặt chẽ, quản lý an toàn nợ công… đã góp phần giúp cho Cần Thơ đạt tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,31%. Ảnh: Hồng Vân.
Đối với Cần Thơ, công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm cũng đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 9.578 tỷ đồng, đạt 65,21% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 15,6% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 5.372 tỷ đồng, đạt 52,41% dự toán Bộ Tài chính giao và 51,14% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 4,75% so cùng kỳ. Thu hải quan 6 tháng đầu năm là 306 tỷ đồng, đạt 30,58% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 58,72% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2019 là 5.286 tỷ đồng, đạt 41,15% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư XDCB từ nguồn cân đối ngân sách địa phương: 1.071 tỷ đồng, đạt 29,46% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 14,9% so cùng kỳ. Chi thường xuyên là 2.508 tỷ đồng, đạt 40,34% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 5,88% so cùng kỳ. Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết những kết quả trên cùng với quản lý nợ công đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định và tình hình giá cả tương đối ổn định… đã góp phần giúp cho Cần Thơ đạt tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,31% so cùng kỳ.
Theo đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị, việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 diễn ra trong bối cảnh KT-XH đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn mà các địa phương thường gặp là trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án hạ tầng kỹ thuật còn chậm; tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; các dịch bệnh nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp, biến đổi khí hậu gây bão lũ, sạt lở…
Để hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2019, các địa phương đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai trong 6 tháng cuối năm. Một trong số đó là tăng cường quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế. Tăng cường đôn đốc thu nợ thuế kịp thời và các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với trốn thuế cũng cần được tăng cường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các địa phương cho rằng cũng cần tăng cường thu hút thêm các nguồn lực, tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành như TPHCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đắk Lắk… cũng nêu một số giải pháp tăng cường kiểm soát chi, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Đó là việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; rà soát và điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân đạt thấp, bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh; tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Một số địa phương còn nhiều khó khăn, thu ngân sách không đảm bảo chi phải cân đối bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước, nêu kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ để địa phương có nguồn lực phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tuệ Anh – Thúy Ngà