Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn sáng 16/11
Trả lời ĐBQH về quản lý nợ công, Bộ trưởng Dũng cho rằng nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công. Bộ Tài chính đã có các báo cáo trình các cơ quan liên quan để kiểm soát tình trạng này, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi, tăng cường quản lý nợ công, vốn ODA, sử dụng nợ công.
Bộ trưởng cho biết, từ năm 2016 đến nay đã không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, chỉ giải ngân những dự án bảo lãnh trước đó. Đặc biệt các dự án của doanh nghiệp, 2 ngân hàng chính sách chỉ bảo lãnh phát hành ngang dư nợ.
Bên cạnh đó, điều hành kiên quyết bán sát nghị quyết 5 năm điều hành các chỉ tiêu bội chi liên quan đến nợ công. Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn đến năm 2020. Đảm bảo cân đối, bố trí trả nợ đúng hạn đã có trong kế hoạch cụ thể. Tăng cường thanh tra kiểm tra trong đầu tư công, hợp tác đầu tư, đấu thầu, kiểm soát, kiểm toán…
Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho biết: Chính phủ khẳng định nói không với nới trần nợ công và chỉ đạo Bộ tài chính cơ cấu lại thu chi NSNN đảm bảo an toàn nợ công và nền tài chính an toàn và bền vững, coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ vay trong khả năng và nghĩa vụ trả nợ.
Trước câu hỏi của một số ĐBQH liên quan đến lĩnh vực hải quan cũng như một số vụ tham nhũng xảy ra gần đây trong ngành Hải quan, Bộ trưởng cho biết, quan điểm của ngành tài chính là kiên quyết chống tiêu cực, ngành Tài chính đã chỉ đạo, chủ động phát hiện và phối hợp với lực lượng công an để điều tra và xử lý nghiêm. "Tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực, trong ngành và ngoài ngành". Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Tình hình quản lý hàng tạm nhập tái xuất, theo Bộ trưởng là rất dễ bị lợi dụng. Chủ yếu là tạm nhập tái xuất với rất láng giềng nên rất phức tạp. Bộ trưởng cũng đã nêu ra các giải pháp khá chi tiết.
Ảnh: nguồn Quốc hội
Về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng thừa nhận hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu, đây là trách nhiệm của Bộ KHĐT và các bộ ngành địa phương trong sử dụng. Bộ Tài chính đang nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển cấp phát cho vay lại, giảm tối đa bảo lãnh tín dụng... giám sát chi tiêu nợ công, hoàn chỉnh thệ thống pháp luật về nợ công.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: trước đây chưa có luật đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tùy tiện vượt so với khả năng cân đối của ngân sách, mỗi giai đoạn 2001-2005-2011, có hơn 20.000 dự án mà không rõ nguồn vốn ở đâu không rõ khả năng giải ngân, dàn trải dẫn đến thất thoát, dừng, giãn, hoãn rất lớn. Hướng giải quyết là Ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ giao bộ tổng hợp rà soát toàn bộ bất cập luật đầu tư công, để trình Quốc hội sửa đổi luật đầu tư công đảm bảo chặt chẽ nhưng vẫn giải quyết được các thủ tục nhanh gọn.
Về hai dự án tại TP.HCM giải ngân chậm, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vướng mắc là thiếu dự toán, bố trí vốn nước ngoài. Trong tình hình khó khăn, TP.HCM đã ứng vốn 1.000 tỷ để trả khối lượng hoàn thành cho 2 dự án. Bộ sẽ làm việc với nhà tài trợ để hoàn trả TP.HCM phần vốn đã ứng.
Về quản lý nợ thuế, Bộ trưởng cho biết dư nợ thuế lớn. Về giải pháp, đã phối hợp tốt với địa phương. Kết quả, số thu hồi nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, tốc độ tăng là 16,3%. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ, đạt 85% số tiền nợ thuế. 2012 thu được 22.751 tỷ đồng, năm 2013 thu 27.000 tỷ đồng. 2016 thu được hơn 42.500 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm thu được hơn 54.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu nợ, theo dõi, kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đủ các thông báo.
Về vấn đề hoá đơn, Bộ trưởng cho biết ngành thuế đang triển khai, hoàn thiện rộng hoá đơn điện tử và cho rằng đây là giải pháp đột phá để chống việc gian lận hoàn thuế, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn.
Về vấn đề chuyển giá và giải pháp khắc phục chuyển giá, Bộ trưởng cho biết, năm 2016, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với DN FDI, tổng số thuế truy thu, truy hoàn 1.310 tỷ đồng, giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017: kiểm tra 1.288 DN, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỷ, giảm lỗ 6.812 tỷ, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, chuyển giá không chỉ trong quá trình sản xuất kinh doanh mà ngay từ khâu đầu tư. Trang thiết bị giá rẻ nhưng kê khai cao để trích khấu hao chuyển giá, trong quá trình đầu tư, đầu ra, đầu vào và vốn mỏng…
Trước nhiều câu hỏi của ĐBQH liên quan đến hoạt động chuyển giá, Bộ trưởng cho biết thêm: đầu tư nước ngoài hiện khoảng 300 tỷ USD. DN FDI tận dụng chính sách ưu đãi đối với nhiều ngành, lĩnh vực. Trong thời gian qua, Bộ tài chính tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế, kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua hoạt động của từng tổ chức chức năng...
Bộ trưởng cho rằng, chuyển giá có nhiều khâu, ngay từ khâu đầu tư, cấp phép đầu tư, đưa vào giá thấp báo giá cao. Khâu thứ hai là sản xuất kinh doanh. Tình hình chuyển giá, kê khai đang phức tạp nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Bộ trưởng cho biết khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư quan trọng, đáng 500 thì bảo 1 tỷ, đó là nguy hiểm...
Theo chương trình, chiều 16/11, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội.