Đề án được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 về việc giao Bộ Tài chính “xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại của khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”.
Ảnh minh họa: M. Tuấn
Mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, đề án đưa ra mô hình cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức. Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).
Đề xuất 7 nội dung cải cách
Đề án gồm 7 nội dung cải cách. Nội dung thứ nhất là đề nghị giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nội dung thứ hai là áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiếm tra chặt, kiếm tra thông thường, kiếm tra giảm) để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. Nội dung thứ ba là đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nội dung thứ tư là thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Nội dung thứ năm sẽ áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nội dung thứ sáu là bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Nội dung thứ bảy là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai Mô hình mới.
Đề án đã xây dựng nội dung Mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 03 phương thức gồm: phương thức kiểm tra chặt, phương thức kiểm tra thông thường, phương thức kiểm tra giảm. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định hoặc cho đến khi hàng hóa có quy chuẩn mới thay thế cho quy chuẩn kỹ thuật cũ.
Theo Mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm, cụ thể:
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt: Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, thông báo tổ chức chứng nhận được chỉ định lấy mẫu, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, căn cứ kết quả để ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường: Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm, ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra giảm: Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 01 năm.
Đề án cũng đề xuất các giải pháp triển khai Mô hình mới như: Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý; Giải pháp hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; Giải pháp về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Giải pháp về hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Giải pháp tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khẩu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.
Lộ trình thực hiện trong 6 năm
Lộ trình thực hiện đề án này sẽ được chia thành 2 giai đoạn, trong đó:
Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023. Giai đoạn này sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Quý II/2021; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026. Giai đoạn này sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Đề án đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan: Tổ chức thực hiện Đề án; Giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy trình rút gọn. Thời gian trình: Quý II/2021; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo Mô hình mới từ năm 2021 đến năm 2023, phối hợp với các Bộ đề xuất sửa đổi các Luật về chất lượng, Luật an toàn thực phẩm trên cơ sở thông lệ quốc tế tốt nhất.
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa hương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án ở các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình; Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.