Bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ Tài chính phát biểu khai mạc hội nghị
Tổng kiểm kê là cơ hội để đánh giá đầy đủ, thực chất về tài sản công
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ Tài chính cùng gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo, công chức quản lý tài sản của các đơn vị trong ngành Tài chính là đối tượng thực hiện kiểm kê (thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, dự trữ nhà nước) có địa bàn từ Tp. Đà Nẵng trở vào.
Phát biểu khai mạc, bà Tạ Thanh Tú cho biết, kiểm kê là một trong các nội dung quan trọng trong quản lý tài sản công và phải được thực hiện định kỳ vào cuối mỗi năm, thời gian qua, công tác kiểm kê tài sản đã được các đơn vị trong ngành Tài chính triển khai định kỳ theo quy định. Tuy nhiên số liệu báo cáo về tài sản công tại các đơn vị được tổng hợp qua các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền còn chưa bảo đảm tính chính xác, thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, chưa kịp thời điều chỉnh biến động về tài sản, dẫn đến không phản ánh chính xác về hiện vật cũng như về giá trị tài sản theo quy định...
Mục tiêu tổng quát của tổng kiểm kê tài sản lần này là thống kê thực trạng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính về các mặt: số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng... sẽ là cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời cũng là cơ hội để Bộ Tài chính xác định được những nội dung được, chưa được trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công để từ đó kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh.
Bên cạnh đó, tổng kiểm kê lần này để Bộ Tài chính đánh giá một cách đầy đủ, thực chất hơn đối với tài sản công tại các đơn vị thuộc Bộ, làm cơ sở phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành trong thời gian tới; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công; cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu của cơ quan nhà nước...
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản giới thiệu khái quát về Đề án tổng kiểm kê tài sản công
Bà Tạ Thanh Tú cũng cho biết thêm, việc tổng kiểm kê lần này được thực hiện trên phạm vi cả nước, thực hiện từ cấp cơ sở là đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công đến các đơn vị quản lý, tổng hợp của cơ quan cấp trên, vì vậy đề nghị các đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê lưu ý, tập trung cao độ, làm kỹ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê tại đơn vị mình. Đối với các đơn vị tổng hợp thì chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tính logic, tính hợp lý của số liệu kiểm kê của các đơn vị mình tổng hợp; thông qua bộ lọc của các cơ quan tổng hợp rà soát lại số liệu kiểm kê để bảo đảm số liệu báo cáo là chính xác nhất trước khi thực hiện tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp nội bộ ngành Tài chính và lực lượng công chức được giao thực hiện theo dõi, quản lý tài sản công các cấp”.- Bà Tạ Thanh Tú đề nghị.
Hoàn thành tổng hợp kết quả kiểm kê ngành Tài chính trước 31/5/2025
Tại Hội nghị, giới thiệu một số nét cơ bản về Đề án tổng kiểm kê tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì phạm vi tài sản công rất rộng, bao gồm 7 nhóm tài sản công. Tuy nhiên, lần này chỉ thực hiện tổng kiểm kê đối với 02 nhóm: Tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; Tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý. Về nguyên tắc xuyên suốt trong tổng kiểm kê là phải thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước. Đồng bộ về thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0h ngày 01/01/2025, đồng bộ về biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đồng bộ về kế hoạch. Theo đó tại Quyết định số 213/QĐ-TTg đã đặt ra 3 mốc thời gian: đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê, đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê, đến ngày 01/7/2025 hoàn thành việc tổng hợp kết quả...
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý tài sản, Cục Kế hoạch -Tài chính đã thông tin chi tiết về kế hoạch kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính. Theo đó để triển khai Đề án tổng kiểm kê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai Đề án kiểm kê tài sản công tại Quyết định số 798/QĐ-BTC ngày 05/4/2024 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê (Quyết định số 1194/QĐ-BTC ngày 24/5/2024) do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi làm Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; giao cho Cục Kế hoạch - Tài chính là đơn vị giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Đồng thời phê duyệt Kế hoạch kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính (Quyết định số 1195/QĐ-BTC ngày 24/5/2024), trong đó quy định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thực hiện kiểm kê, thời điểm kiểm kê và nguyên tắc kiểm kê, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện từng nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Cụ thể là Bộ Tài chính (Cục Kế hoạch - Tài chính) phải tổng hợp kết quả kiểm kê của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) trước ngày 31/5/2025.
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý công sản đã phổ biến những nội dung chi tiết về nghiệp vụ kiểm kê tài sản công và giải đáp các vướng mắc liên quan đến: thông tin về các mẫu biểu kiểm kê, cách kê khai thông tin vào mẫu biểu kiểm kê, quy trình báo cáo, tổng hợp kết quả kiểm kê và các nội dung nghiệp vụ khác có liên quan đến kiểm kê; thực hành sử dụng Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công...