Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Về công tác lập dự toán, định mức chi, việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Tài chính hướng dẫn, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), nhiệm vụ chi NSNN thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của các địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương đảm bảo.
Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã có quy định cụ thể về việc lập dự toán, quản lý và quyết toán các khoản chi từ NSNN. Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức chi NSNN hiện nay do 02 cơ quan ban hành theo thẩm quyền.
Theo đó, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN quy định, Bộ Tài chính quyết định ban hành mức chi ngân sách đối với các chế độ, tiêu chuẩn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng chưa có mức chi cụ thể; Quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với bộ quản lý ngành, lĩnh vực; Quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát, nhiều tiêu chuẩn, định mức chi có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được Bộ Tài chính có hướng dẫn. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 6/7/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật...
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN quy định, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Theo quy định này, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền các chế độ chi ngân sách trên địa bàn.
Theo Bộ Tài chính, các nội dung chi phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính ở mỗi địa phương là khác nhau (kinh phí xây dựng Đề án, tổ chức tuyên truyền, vận động, tổ chức lấy ý kiến cử tri, chi trả chế độ cho cán bộ, công chức dôi dư...). Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành có liên quan đến các nội dung chi của việc sắp xếp để bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Đối với nội dung xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương; cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp được giao quản lý, sử dụng nhà, đất;cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý tài sản công trong việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có) để thực hiện sắp xếp trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Về việc thực hiện quy định về miễn phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Luật Phí và lệ phí đã quy định cụ thể thẩm quyền ban hành, thẩm quyền quy định việc miễn, giảm các loại phí, lệ phí (có loại thuộc thẩm quyền của trung ương, có loại thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, tại các thông tư thu phí, lệ phí của Bộ Tài chính hiện hành đã có quy định về việc miễn phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp trong trường hợp nhà nước thay đổi địa giới hành chính.
Cụ thể, Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân quy định, các trường hợp miễn lệ phí trong đó có trường hợp đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương căn cứ quy định tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 và Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính để thực hiện miễn phí, lệ phí cho các đối tượng cho phù hợp.
Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn, các khoản lệ phí khác (lệ phí hộ tịch, lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất) thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn, giảm phí, lệ phí theo thẩm quyền.