Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ trước UBTVQH
Năm 2021, ngân sách trung ương cắt giảm, tiết kiệm chi 14,62 nghìn tỷ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết hoặc không triển khai do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng, gồm: cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2021 là 7,42 nghìn tỷ đồng; giảm chi trả nợ lãi của NSTW năm 2021 là 4,2 nghìn tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP còn dư là 3 nghìn tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm, cả NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó các nguồn lực của trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn dự phòng NSTW năm 2021 dự toán là 17,5 nghìn tỷ đồng, đã sử dụng là 14,62 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phòng, chống dịch Covid-19 là 10,7 nghìn tỷ đồng (bao gồm 1,237 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin), số còn lại 2,88 nghìn tỷ đồng để tiếp tục tập trung chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong những tháng cuối năm.
Đối với nguồn kinh phí NSTW năm 2020 chuyển sang (13,33 nghìn tỷ đồng) và nguồn quỹ vắc-xin đã huy động (8,66 nghìn tỷ đồng) để mua vắc-xin phòng Covid-19, tổng cộng gần 22 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 7,65 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin (tính cả 1,237 nghìn tỷ đồng chi từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021 thì tổng số đã chi là 8,887 nghìn tỷ đồng). Nguồn còn lại là 14,33 nghìn tỷ đồng, tiếp tục sử dụng để đáp ứng các nhu cầu mua và hỗ trợ sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Về nhu cầu kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021 dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vắc-xin, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Sau khi trừ số đã chi 8,887 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin nêu trên và nguồn NSĐP dự kiến bố trí để mua vắc-xin 3,54 nghìn tỷ đồng, nhu cầu còn lại trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 nghìn tỷ đồng. Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vắc-xin nhắc lại hàng năm, thì nhu cầu kinh phí mua vắc-xin sẽ lớn hơn.
Về kinh phí cho công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế cho biết để đảm bảo công tác y tế với tình huống có 300 nghìn người nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ NSNN khoảng 60,57 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW chi khoảng 23,44 nghìn tỷ đồng, NSĐP chi khoảng 37,13 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ dự kiến NSTW phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương trong thời gian tới khoảng 20 - 24 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tổng hợp chung nhu cầu trung ương phải chi để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới khoảng 36 - 40 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện một số bộ và địa phương đã có văn bản đề nghị bổ sung kinh phí chi phòng, chống dịch Covid-19 (bao gồm cả chính sách, chế độ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch của địa phương ban hành). Trong đó, Bộ Quốc phòng có văn bản số đề nghị bổ sung 2 nghìn tỷ đồng; Bộ Công an đề nghị bổ sung 2,842 nghìn tỷ đồng; TP.Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ 27,968 nghìn tỷ đồng; tỉnh Bình Dương đề nghị hỗ trợ 7,645 nghìn tỷ đồng.
Nhu cầu chi cho phòng, chống dịch là rất lớn
Để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ quy định của Luật NSNN, Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021 nêu trên, để bổ sung nguồn dự phòng NSTW năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Dự kiến trước mắt sử dụng 4,9 nghìn tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (1 nghìn tỷ đồng), Bộ Công an (900 tỷ đồng) và TP.Hồ Chí Minh (2 nghìn tỷ đồng), Bình Dương (500 tỷ đồng), Đồng Nai (500 tỷ đồng).
Những địa phương nói trên theo quy định hiện hành phải tự lo toàn bộ kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng dịch bệnh quá lớn, địa phương đã sử dụng cơ bản hết các nguồn dự phòng NSĐP, Quỹ dự trữ tài chính, cắt giảm, tiết kiệm chi và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cần Trung ương hỗ trợ thêm.
Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 và đề nghị của các địa phương, Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Quốc hội cho phép một số địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với các địa phương khác, căn cứ chế độ chi phòng, chống dịch Covid- 19 và cơ chế hỗ trợ từ NSTW cho NSĐP hiện hành, Trung ương sẽ hỗ trợ kịp thời khi có báo cáo của địa phương theo quy định. Trường hợp kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bổ sung nêu trên không sử dụng hết trong năm 2021, được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục thực hiện.
Giải trình thêm về một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhu cầu chi cho phòng, chống dịch ở các địa phương và một số bộ ngành là rất lớn, tuy nhiên NSTW chỉ đáp ứng được có hạn. Việc hỗ trợ cho các địa phương, bộ ngành như đề xuất của Chính phủ là căn cứ vào yêu cầu cấp thiết phòng chống dịch, không phải căn cứ theo định mức phân bổ ngân sách.
Về việc quản lý quỹ vắc-xin tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết ở nhiều địa phương hiện có các quỹ dành cho mua vắc-xin do các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động, tuy nhiên nguồn này chưa có cơ quan nào quản lý.
Tại dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh…, Bộ Tài chính đã quy định về việc sẽ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các quỹ có nguồn tiền tài trợ này. Nếu UBTVQH đồng ý giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính kiểm tra, quản lý vần đề này, thì đây là nguồn lực tốt cho việc chống dịch và đảm bảo thực hiện đúng mục đích.
Sau khi nghe các báo cáo và giải trình, UBTVQH đã thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn dự phòng NSTW năm 2021 số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi NSNN năm 2021 như Chính phủ trình; giao Chính phủ sử dụng nguồn này để ưu tiên chống dịch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng Luật NSNN, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và báo cáo UBTVQH theo quy định.