I. TÌNH HÌNH GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG NĂM 2018:
1. Đánh giá chung:
Năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Nền kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn đang gặp nhiều khó khăn như mưa lũ, hạn hán, dịch bệnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn thách thức; thiên tai, dịch bệnh có diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Thị trường, giá cả hàng hóa tăng giảm thất thường ở nhiều ngành hàng như: giá vàng, xăng dầu, giá gas, giá lương thực, thực phẩm, dược phẩm, nhóm hàng vật tư nông nghiệp, các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng... đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhà.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Tĩnh, giá cả hàng hóa, dịch vụ năm 2018 tăng 3,68% so với năm 2017. CPI tháng 12 năm 2018, giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 2,59% so với cùng tháng năm trước.
Cụ thể, so với tháng 12/2017, trong 11 nhóm hàng thì 9 nhóm có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm. Dẫn đầu nhóm có chỉ số tăng rất cao là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, bằng 111,53% (tăng 11,53%), tiếp theo là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bằng 104,46% (tăng 4,46%); Các nhóm có chỉ số giá tăng còn lại là: nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép; nhóm Giao thông; nhóm Đồ uống và thuốc lá; nhóm Giáo dục; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD. Các nhóm có chỉ số giá giảm là: nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch bằng 96,71% (giảm 3,29%); Nhóm Bưu chính viễn thông bằng 99,14% (giảm 0,86%).
2. Diễn biến một số nhóm hàng chính:
2.1. Lương thực, thực phẩm:
a) Lương thực:
Chỉ số giá lương thực tăng 0,44% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 3,69%. Lượng thóc dữ trữ từ các vụ sản xuất trong năm trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp, do thời điểm 0vụ mùa đã qua lâu. Nguồn gạo tiêu dùng trong dân cư hiện nay chủ yếu đến từ các tỉnh khác và nguồn nhập khẩu từ Lào, Thái Lan dẫn đến giá cả có tăng hơn so tháng trước.
b) Thực phẩm:
Nhóm hàng thực phẩm chỉ số giá chung tăng 0,07% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 5,95%. Trong đó thịt gia súc giảm 0,33%, thịt gia cầm khác giảm 0,76%. Giá lợn hơi thời điểm đầu tháng giảm nhẹ ảnh hưởng tình hình dịch tả lợn châu Phi, cùng với giá thịt vịt hơi giảm do chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh H5N6 là những yếu tố chính khiến giá hai nhóm này giảm so với tháng trước.
Trong khi đó, giá các mặt hàng thuỷ hải sản nhìn chung tăng so với tháng trước. Thời tiết không thuận lợi khiến việc đánh bắt, vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn, ảnh hưởng đến sản lượng và giá cả thị trường.
Nhóm rau, củ quả giảm mạnh 0,72% so với tháng trước. Sản lượng rau vụ Đông tăng như rau cải các loại, cà chua, khoai tây, đậu cô ve…, tác động đến giá cả hàng hoá.
Giá cam, chanh, quýt quả tươi tăng do hiện tại đang là thời điểm cuối mùa.
Hoạt động ăn uống ngoài gia đình tăng 0,06% so tháng trước. Nguyên nhân do giá cà phê uống tại quán tăng thêm bình quân từ 2.000 - 3.000 đồng/ly. Xu hướng chung trên thị trường tỉnh chuyển từ cà phê pha phin truyền thống sang cà phê rang xay, ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ đồ uống.
2.2. Nhóm Giao thông:
Chỉ số giá tiêu dùng nhóm Giao thông giảm 4,32% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,58%. Qua hai lần điều chỉnh trong tháng, giá xăng, dầu các loại giảm giá mạnh so tháng trước (giảm 11,77%). Trong đó, bình quân giá xăng A95 giảm 2.362 đồng/lít, E5 giảm 2.238 đồng/lít, dầu Diesel giảm 1.973 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dịch vụ bảo dưỡng xe máy trọn gói tăng. Thông thường cuối năm là thời điểm người dân mua sắm, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, ảnh hưởng đến giá dịch vụ.
2.3. Nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD:
Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,82% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,82%
Giá điện, nước sinh hoạt giảm do sản lượng tiêu thụ giảm. Cùng với đó là chi phí vận tải giảm cùng nhu cầu xây dựng cuối năm giảm khiến giá sắt, thép xây dựng giảm đầu tháng là những yếu tố chính tác động đến mức giá chung của nhóm hàng hoá này.
2.4. Nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép:
Chỉ số giá tiêu dùng nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,80% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,21%
Việc thời tiết chuyển rét, rét đậm là nguyên nhân khiến nhu cầu áo ấm, găng tay, áo len, bít tất giữ ấm và dịch vụ giặt là tăng giá so tháng trước.
2.5. Vàng và ngoại tệ:
Chỉ số giá vàng tháng 12/2018 tăng 1,64% so với tháng trước, tăng 1,75% so với cùng tháng năm trước.
Giá vàng trong tháng 12 tiếp tục tăng. Xu hướng càng về cuối năm âm lịch, giá vàng càng tăng, mức giá hiện tại thời điểm ngày 21/12/2018 ở mức 3.625.000 đồng/chỉ tại thị trường thành phố Hà Tĩnh. Bình quân giá vàng trong tháng là 3.653.741 đồng/chỉ
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2018 giảm 0,29% so với tháng trước, tăng 2,64% so với cùng tháng năm trước.
Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/12/2018 mức giá bán ra 2.337.000 đồng/100USD.
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO GIÁ – CÔNG SẢN NĂM 2018:
Xem chi tiết tại văn bản đính kèm ...