I. TÌNH HÌNH CHUNG:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2018 giảm 0,11% so tháng trước, tăng 5,27% so cùng tháng năm trước và tăng 2,02% so với tháng 12 năm trước.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, 03 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; Hàng hóa và dịch vụ khác. Có 05 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: May mặc, mũ nón, giày dép; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Giao thông; Thuốc và dịch vụ y tế; Văn hóa, giải trí và du lịch. Các nhóm Giáo dục; Bưu chính viễn thông; Đồ uống và thuốc lá ổn định, không có sự tăng giảm so tháng trước.
II. DIỄN BIẾN MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH:
Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống:
Chỉ số nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 5,04%, tăng 2,64% so với tháng 12 năm trước; Trong đó:
Nhóm lương thực giảm 0,96% so tháng trước. Do lượng gạo cung ứng ra thị trường tăng sau vụ thu hoạch, khiến giá gạo sản xuất trong tỉnh giảm. Bên cạnh đó, việc giảm giá này cũng tạo sức ép đến giá gạo nhập khẩu. Mức giảm bình quân 500 đ/kg.
Thực phẩm tăng 0,72% so tháng trước. So với tháng trước, giá thịt lợn tiếp tục tăng. Ngoài giá lợn hơi thịt tăng do nguồn cung giảm, việc giá lợn giống tiếp tục tăng mạnh cũng khiến giá lợn thịt có xu hướng tiếp tục tăng giá. Tuy mức tăng trong tháng thấp, nhưng tính chung giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước và thời điểm đầu năm. Cụ thể: Thịt lợn mông sấn đang ở mức 95.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 80 - 85.000 đồng/kg, sườn lợn thăn 95.000 đồng/kg. Mặt hàng thịt lợn tăng tác động các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như lợn quay, giò chả các loại (tăng 1,34%) so tháng trước. Giá thịt lợn tăng giá mạnh đã làm giá thịt gia cầm (tăng 1,11%), nội tạng động vật (tăng 1,18%). Tình hình cơ bản trên địa bàn tỉnh trong tháng qua không xảy ra các loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm. Các mặt hàng thịt đảm bảo an toàn, phục vụ nhu cầu của người dân.
Thuỷ hải sản tươi sống tiếp tục tăng giá. Với việc lượt khách du lịch trong tháng tăng mạnh so tháng trước, nhu cầu tiêu thụ các loại thuỷ hải sản như tôm, cá, mực, cua tươi các loại đều tăng giá so tháng trước.
Các mặt hàng rau, củ quả tăng mạnh so tháng trước. Việc thời tiết mưa lớn kéo dài gây ngập úng, hư hỏng rau màu là yếu tố khiến giá tăng.
Tương tự, nhóm hoa quả tươi các loại cũng tăng giá ở các mặt hàng như dứa, dưa hấu, cam cuối vụ thu hoạch.
2. Nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD:
Chỉ số nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,03% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 5,18%, tăng 1,88% so với tháng 12 năm trước. Mặc dù giá vật liệu xây dựng có giảm, nhờ chi phí vận tải giảm cùng với việc thời tiết không thuận lợi khiến nhu cầu xây dựng giảm theo. Tuy nhiên do ảnh hưởng giá nước và điện sinh hoạt tiếp tục tăng làm chỉ số chung nhóm này tiếp tục tăng so tháng trước.
3. Nhóm Giao thông:
Chỉ số nhóm Giao thông giảm 0,15% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 11,45%, tăng 5,73% so với tháng 12 năm trước. Giá nhiên liệu trong tháng giảm là nguyên nhân chủ yếu khiến mức giá nhóm hàng này giảm. Bên cạnh đó, trong tháng giá một số phương tiện xe máy tăng từ 500.000 – 1.000.000 đồng/chiếc.
4. Nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép:
Chỉ số nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,01% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,61%, giảm 1,02% so với tháng 12 năm trước. Giá một số mặt hàng bít tất, khăn mặt các loại giảm giá là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cả nhóm mặt hàng này giảm.
5. Nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình:
Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,24%, tăng 0,14% so với tháng 12 năm trước. Giá một số mặt hàng nội thất, hàng điện tử, điện lạnh và đồ dùng gia đình giảm. Việc phải cạnh tranh với các chuỗi hệ thống bán lẻ và các trang thương mại điện tử khiến các điểm bán hàng truyền thống phải tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh cũng là yếu tố mặt hàng giảm giá.
6. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác:
Chỉ số nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,94% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,48%, tăng 3,70% so với tháng 12 năm trước. Trong tháng, giá một số loại mặt hàng mỹ phẩm, nhất là hàng chăm sóc tóc, da tăng giá. Do thời tiết khắc nghiệt khiến nhu cầu tiêu dùng tăng.
7. Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ:
Chỉ số giá vàng giảm 1,58% so tháng trước, tăng 2,86% so cùng tháng năm trước, tăng 0,51% so với tháng 12 năm trước.
Thị trường giá vàng trong tháng biến động với xu hướng giảm so tháng trước, mức giá hiện tại thời điểm ngày 21/7/2018 ở mức 3.550.000 đồng/chỉ tại thị trường thành phố Hà Tĩnh. Bình quân giá vàng trong tháng là 3.664.759 đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,13% so tháng trước, tăng 1,76% so cùng tháng năm trước, tăng 1,70% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 23/6/2018 mức giá bán ra 2.289.426 đồng/100USD.
8. Dự báo tình hình giá cả thị trường tháng 8/2018:
Chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ tháng 8/2018 dự kiến tiếp tục tăng giá. Trong tháng 8, giá thịt chưa có dấu hiệu giảm. Dự kiến tăng giá nhóm hàng giáo dục, sách báo, văn phòng phẩm, may mặc sẵn, dày dép, mũ nón... nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương cơ bản sẽ có những tác động đến thị trường tiêu dùng, tài chính trong thời gian tới.
III. KẾT QUẢ QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC GIÁ – CÔNG SẢN THÁNG 7/2018:
Xem chi tiết tại văn bản đính kèm ...
Đính kèm tại đây.