I. TÌNH HÌNH CHUNG:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2018 tăng 0,37% so tháng trước, tăng 4,24% so cùng tháng năm trước và tăng 1,76% so với tháng 12 năm trước.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, 06 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giày dép; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Giao thông. Có 03 nhóm hàng hóa có chỉ số tăng: Bưu chính viễn thông; Văn hóa, giải trí và du lịch; Hàng hóa và dịch vụ khác. Nhóm Giáo dục; Thuốc và dịch vụ y tế ổn định ổn định, không có sự tăng giảm so tháng trước.
II. DIỄN BIẾN MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH:
Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống:
Chỉ số nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,48% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,36%, tăng 1,35% so với tháng 12 năm trước
Nhóm lương thực tăng 0,62% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,50%, so tháng 12 năm trước tăng 5,03%. Giá gạo nửa đầu tháng 5 tiếp tục tăng thêm và ổn định ở nửa cuối tháng. Nguồn cung cấp gạo từ các vùng sản xuất trong tỉnh chưa có trong khi gạo từ các vựa lúa phía Nam và nhập khẩu từ Thái Lan bị tăng chi phí vận tải là nguyên nhân chủ yếu. Việc tăng giá gạo còn là yếu tố tác động đến các sản phẩm chế biến từ bột gạo như bún, miến khô, bánh phở tăng giá.
Trong khi đó, giá ngô tươi và ngô hạt khô thành phẩm tiếp tục giảm. Các năm gần đây, do đầu ra sản phẩm được các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc trong và ngoài tỉnh thu mua dẫn đến diện tích trồng ngô vụ Đông Xuân tăng nhanh, sản lượng ngô sinh khối tăng mạnh dẫn đến giá bán lẻ giảm.
Thực phẩm tăng 0,61% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 2,52%, so tháng 12 năm trước tăng 0,23%.
Giá thịt lợn thành phẩm tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn hơi tăng cao. Tại một số địa bàn, giá lợn hơi lần đầu tiên vượt mốc 50.000 đ/kg trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Giá thịt lợn mông sấn tăng 10.000 đ/kg, đạt mức 90.000 đ/kg, sườn thăn tăng 15.000 đ/kg, đạt 90.000 đ/kg tại thị trường thành phố Hà Tĩnh.
Giá thịt lợn tăng tác động các sản phẩm chế biến như thịt quay, giò chả các loại tăng giá (tăng 2,42%) so tháng trước.
Sau khi kiềm chế và dập tắt được dịch lở mồm long bóng trâu bò, giá thịt bò bắt đầu tăng trở lại (tăng 1,84%). Tuy nhiên mức giá thịt bò vẫn đang thấp hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh.
Giá các loại thuỷ hải sản tiếp tục tăng giá, nhất là các sản phẩm mực tươi, cua biển và sò, ngao, hến. Sau sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường thuỷ hải sản Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung đến nay đã khắc phục, ngày 17/5/2018 tại Quảng Trị, Bộ Y tế đã chính thức công bố thuỷ hải sản tại bốn tỉnh miền Trung đã đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều đó đã tạo ra cú hích lớn cho việc tiêu thụ hải sản biển, không chỉ phục vụ đời sống tiêu dùng hàng ngày mà còn phục vụ nguồn khách du lịch ngày càng tăng.
Các mặt hàng rau, củ quả tiếp tục giảm mạnh (giảm 5,06%). Sản lượng rau xanh thu hoạch đạt mức cao, nhất là các loại rau muống, bí xanh, khoai tây, cải bẹ muối chua, cà muối. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay các hộ gia đình ở khu vực thành thị tận dụng diện tích sân vườn trồng các loại rau ăn lá đơn giản như rau muống, hẹ, mùng tơi nhằm tự túc cho gia đình.
Nhóm hoa quả tươi các loại giảm 1,63% so tháng trước. Do một số loại quả tươi đang vụ thu hoạch từ các tỉnh nên sản lượng cung ứng trên thị trường lớn tác động làm giá bán lẻ giảm.
2. Nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD:
Chỉ số nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,42% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,97%, tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước. Trong tháng, do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới lượng tiêu thụ điện và nước sinh hoạt đều tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng tăng trong khi chi phí vận chuyển tăng theo là những yếu tố khiến mặt hàng sắt, thép, xi măng phục vụ xây dựng tăng giá.
3. Nhóm Giao thông:
Chỉ số nhóm Giao thông tăng 1,52% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 6,28%, tăng 4,86% so với tháng 12 năm trước
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giá với biên độ lớn là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm này tăng mạnh so tháng trước. Cùng với đó, giá vé tàu hoả tiếp tục tăng.
4. Nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép:
Chỉ số nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,12% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,59%, giảm 0,3% so với tháng 12 năm trước
Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng áo phông, quần áo lót thoáng khí, giải nhiệt tăng. Trong khi giá các mặt hàng áo khoác gió tiếp tục giảm, số lượng bán ra chủ yếu các loại áo khoác mỏng, phục vụ chống nắng và người tập thể thao.
5. Nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình:
Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình đình tăng 0,11% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,15%, tăng 1,51% so với tháng 12 năm trước
Do yếu tố mùa vụ, giá bán đồ dùng máy điều hòa nhiệt độ và dịch vụ bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ trong tháng tăng giá. Trong khi đó, do giá chip nhớ giảm dẫn tới nhóm mặt hàng máy vi tính và linh kiện giảm giá.
6. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác:
Chỉ số nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,85%, tăng 2,02% so với tháng 12 năm trước.
Do ảnh hưởng của giá vàng giảm, giá các mặt hàng trang sức như nhẫn, dây chuyển giảm giá theo với mức giảm 0,41%.
7. Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ:
Chỉ số giá vàng giảm 0,68% so tháng trước, tăng 5,37% so cùng tháng năm trước, tăng 3,10% so với tháng 12 năm trước.
Thị trường giá vàng trong tháng biến động với xu hướng giảm, mức giá hiện tại thời điểm ngày 22/4/2018 ở mức 3,63 triệu đ/chỉ tại thị trường thành phố Hà Tĩnh. Bình quân giá vàng trong tháng là 3,65 triệu đ/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,14% so tháng trước, tăng 0,39% so cùng tháng năm trước, tăng 0,19% so với tháng 12 năm trước.
Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh mức giá bán ra 2.282.952 đ/100USD.
Giá USD tự do ngày 22/5/2018 ở mức giá 2.286.000 đ/100USD.
8. Dự báo tình hình giá cả thị trường tháng 6/2018:
Chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ tháng 4/2018 dự kiến tiếp tục tăng. Nguyên nhân do giá một số mặt hàng đồ dung điện tử, điện lạnh, đồ uống, thực phẩm tiếp tục tăng. Đặc biệt là giá xăng dầu do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Giá cước vận tải hành khách có thể được điều chỉnh tăng giá do giá nhiên liệu ở mức cao so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch sẽ tác động đến giá cả nhóm lương thực giảm.
Xem chi tiết tại văn bản đính kèm ...
Đính kem tại đây.