Giải pháp đồng bộ
Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 57,26 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 9 tháng đạt 636 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: thu nội địa ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 427,89 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó đã thu vào NSNN khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN theo số quyết toán năm 2013 và phát sinh 6 tháng đầu năm 2014 theo Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ; đồng thời, đã thu khoảng 1,83 nghìn tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý III/2013 của một số đối tượng doanh nghiệp đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp.
Thu từ dầu thô: ước đạt 8,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 9 tháng đạt 79,78 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013 (giá dầu thanh toán bình quân 9 tháng đạt khoảng 112,4 USD/thùng, tăng 14,4 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 11,28 triệu tấn, bằng 78,8% kế hoạch năm).
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 9 ước đạt 12,96 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 125,1 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013 (tổng số thu đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 58,4 nghìn tỷ đồng).
Đánh giá về công tác thu NSNN, Bộ Tài chính cho rằng công tác thu NSNN 9 tháng đầu năm kết quả đạt khá do Cơ quan Thuế, Hải quan đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, ngành hàng có rủi ro cao về thuế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm số giờ kê khai nộp thuế, tăng số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số địa phương nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tập trung chi đầu tư phát triển
Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 85,41 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 9 tháng ước đạt 768 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 13,36 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đến hết tháng 9/2014, vốn đầu tư XCB nguồn NSNN đã giải ngân (bao gồm cả tạm ứng vốn theo chế độ) đạt 78,5% dự toán (cùng kỳ năm 2013 đạt 63,8%); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt xấp xỉ 71,5% kế hoạch (cùng kỳ năm 2013 đạt 68,6%).
Chi trả nợ và viện trợ: ước đạt 14,12 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 101,86 nghìn tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.
Tính đến hết tháng 9/2014, tổng nguồn dự phòng NSTW năm 2014 đã sử dụng và dự kiến sử dụng khoảng 8.341 tỷ đồng, bằng 80,9% dự toán (10.300 tỷ đồng), nguồn còn lại khoảng 1.959 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã có văn bản số 579/BTC-NSNN ngày 6/9/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng ưu tiên sử dụng để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Như vậy, bội chi NSNN tháng 9 ước 28,15 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng 131,99 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
Thu đúng, thu đủ
Đánh giá về công tác thực hiện NSNN những tháng cuối năm Bộ Tài chính cho biết mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.
Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN. Tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn, thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các phải nộp NSNN. Phấn đấu thu vượt mức đánh giá báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi nhưng vẫn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn.Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau.