Trong đó thu nội địa ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý). Lũy kế thu 8 tháng đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh của dịch bệnh, Bộ Tài chính nhận định kết quả thu 8 tháng như trên là tích cực, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan, tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới số thu NSNN trong những tháng sắp tới. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế trong những tháng cuối năm.
Về chi NSNN tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt xấp xỉ 72 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 652,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm vẫn chậm, mới đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,41%), trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 7,94% kế hoạch; có 03 Bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, 27 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch, trong đó vẫn còn 04 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách 8 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Lũy kế đến ngày 27/8/2021 đã thực hiện phát hành được 199,3 nghìn tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,96 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm
Liên quan đến công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ đã ký kết 2 Hiệp định, tổng trị giá khoảng 98,6 triệu USD. Trong tháng 8 năm 2021 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 29,6 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 845 triệu USD, tương đương khoảng 19.519 tỷ đồng, trong đó cấp phát khoảng 559 triệu USD, cho vay lại khoảng 286 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 266.785 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 227.843 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 38.941 tỷ đồng.
Dưới đây là Inforgraphic “Tình hình thu, chi NSNN 8 tháng đầu năm 2021” do Tạp chí Tài chính Việt Nam thực hiện: